Long An đang nỗ lực xây dựng điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước, với việc khai thác tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành những điểm du lịch sinh thái điển hình “không đụng hàng”.
Có thể thấy, tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) nếu Đồng Tháp hấp dẫn du khách bởi làng hoa Sa Đéc trải dài ngút mắt, hay vẻ nguyên sơ của Vườn quốc gia Tràm Chim; Tiền Giang là mảnh đất của chợ nổi và những vườn trái cây trĩu quả, thì Long An tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái điển hình như: Khu du lịch làng nổi Tân Lập, Khu nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu ĐTM, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen…
Những điểm nhấn “không đụng hàng”
Du khách đi thuyền giữa rừng Đồng Tháp Mười ngắm những cánh rừng tràm hoang dã. Ảnh: T.Đ
Khu nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu là một trong những khu du lịch thuộc nhóm sản phẩm du lịch điển hình của tỉnh, cách TP.Tân An 60km. Khu rừng có diện tích khoảng 1.041ha, trong đó có hơn 800ha rừng nguyên sinh. Hệ sinh thái đặc trưng nơi đây vô cùng đa dạng với nhiều cây dược liệu quý: Cây tràm gió nguyên sinh (loài đặc hữu); một số cây bản địa như sen trắng, súng ma...; cây di thực trong nước như dành dành, mù u,...; cây di thực nước ngoài như tràm trà, bạch đàn chanh, sả Java,... Một đặc trưng nổi bật khác là hệ thống kênh, rạch dài hơn 140km giúp giữ nước, rửa phèn, ngăn mặn, phòng cháy chữa cháy, tạo thành những tuyến đường giao thông thủy đưa du khách tham quan rừng tràm; và hồ nước rộng đến 100ha.
Tại đây còn trồng nhiều dược liệu sạch, đạt tiêu chuẩn GACP. Một nhà máy sản xuất thuốc Đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Trong 1.041ha đất này, có 25ha trồng lưu giữ nguồn gen của hơn 80 loại cây thuốc quý.
Đặc biệt, khi đến nơi đây vào mùa nước nổi, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim cò với mật độ dày đặc, thực vật mênh mông của vùng ĐTM...
Một điểm nhấn điển hình nữa của du lịch Long An tại Đồng Tháp Mười là Khu du lịch Làng nổi Tân Lập với diện tích hơn 135ha vùng lõi và 500ha vùng đệm. Đây là vùng đất ngập nước với sinh cảnh là rừng tràm, sen, súng, lục bình, lúa ma điển hình của khu vực và là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã (chim, cò, cá...).
Theo Ban quản lý Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Khu du lịch đang triển khai phục vụ các dịch vụ: Tiệc buffet, phục vụ khách tham quan rừng tràm bằng tuyến đường bộ, tuyến cáp kéo, xuồng ba lá,... Làng nổi đang được hoàn thiện thêm một số khu vực: Khu thuần dưỡng chim cò, khu trò chơi dân gian...
Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về thiên nhiên hoang dã, du khách có thêm Khu Ramsar Láng Sen (huyện Tân Hưng)–nơi có khu rừng tràm nguyên thủy duy nhất của vùng Đồng Tháp Mười. Hiện, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen chia thành 3 phân khu: Bảo tồn sinh thái, rừng kinh tế và đa dạng sinh học. Với sinh cảnh được bảo tồn, Ramsar Láng Sen là “nhà” của hơn 150 loài thực vật, 140 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm có tên trong Sách Đỏ: Sếu đầu đỏ, điên điển, quắm đen...
Để du lịch Long An “cất cánh”
Xác định sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh chính là du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, từ năm 2017, tỉnh Long An đã triển khai đề án chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với việc vạch ra những bước đi cụ thể nhằm đưa du lịch của tỉnh “cất cánh”. Theo đó, các khu du lịch sinh thái được kêu gọi xã hội hóa, đầu tư có kế hoạch nhằm trang bị đầy đủ các hạng mục, dịch vụ phục vụ tốt nhất hoạt động du lịch sinh thái cho du khách.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Long An Lê Thị Hồng Thủy, hiện Long An đang xây dựng các tuyến du lịch liên vùng, liên tỉnh: TP.HCM - Long An - Tiền Giang, TP.HCM - Long An - Đồng Tháp, TP.Tân An - Cần Thơ - các tỉnh ĐBSCL,... Có thể thấy, trong các tuyến du lịch ấy, vai trò của TP.HCM rất quan trọng. Việc liên kết với TP.HCM sẽ tạo một thị trường lớn, kết nối và đẩy mạnh phát triển du lịch vùng ĐTM nói chung, tỉnh Long An nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa-Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, muốn phát triển du lịch, Long An phải làm bật lên đặc trưng riêng trong chuỗi kết nối các sản phẩm du lịch, tránh trùng lặp với các địa phương trong vùng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt tours cũng chia sẻ, các tỉnh trong tiểu vùng ĐTM phải ngồi lại để xây dựng sản phẩm du lịch, tránh trùng lắp; phải có sản phẩm cụ thể, đặc trưng từng nơi.