Tình trạng lừa đảo, phân biệt khách Tây-khách ta vẫn còn tiếp diễn tại phố cổ Hà Nội, cần được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời và triệt để hơn.
Chuyện 850.000 đồng một miếng dán đế dép tông, 500.000 đồng để mua một gói tăm "từ thiện", 80.000 đồng/4 cái bánh rán, trả lại tiền âm phủ cho khách nước ngoài, thậm chí còn cấu kết dàn cảnh để "chặt chém" khách, đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Thủ đô.
Việc "chặt chém" của một số kẻ trục lợi đã khiến nhiều du khách nước ngoài
có cái nhìn không thiện cảm về du lịch Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Theo chân du khách nước ngoài dạo quanh một vòng phố cổ Hà Nội, phóng viên VOV.VN không khỏi giật mình với cách bán hàng "chặt chém" và "phân biệt đối xử" khách Tây-khách ta của một số người bán hàng rong, thậm chí một vài cửa hàng, trên các tuyến phố có đông khách Tây mua sắm.
Vào phố Tạ Hiện, vốn được coi là "địa bàn" của khách Tây, một chị bán hàng rong vừa bán 1 kg nhãn cho một khách khách Việt với giá 25.000 đồng/kg, nhưng khi có một nhóm khách nước ngoài hỏi mua, người này đã "hét" giá gấp đôi: 50.000 đồng/kg. Có lẽ vì chưa thạo giá cả và thấy giá này cũng khá "mềm" vì nhãn đang vào mùa nên những du khách này không ngại ngần móc ví mua 2kg với giá 100.000 đồng và vui vẻ tạm biệt người bán hàng đang cười rất tươi với "món hời" vừa kiếm được.
Rẽ sang phố Mã Mây - con phố ẩm thực yêu thích của khách Tây, khi thấy 2 khách Tây rẽ vào hỏi mua bánh rán, người bán hàng "quát" giá 40.000 cho 4 cái bánh rán trước sự ngỡ ngàng của những người Việt cũng đang mua bánh, với giá chỉ 3.000 đồng/cái. Các vị khách Tây rất vui vẻ trả tiền và vừa ăn vừa tấm tắc khen mà không biết mình vừa mua "hớ" với giá cao gấp mấy lần giá trị thật của món bánh này.
Đến phố Hàng Dầu, một khách Tây rẽ vào xem giầy thể thao, chủ cửa hàng đon đả ra đón khách và giới thiệu nhiều mẫu để khách lựa chọn. Thấy vị khách Tây có vẻ chọn lựa kỹ càng và khá thận trọng về giá nên chủ quán biết là không dễ lừa bán hàng nên đã xua "như xua tà" khiến vị khách cảm thấy rất khó chịu.
Việc phân biệt khách Tây - khách ta và việc hét giá quá cao của một số người bán hàng
khiến du khách nước ngoài rất bất ngờ.
Nạn "chặt chém" ở phố cổ Hà Nội nay đã giảm bớt nhưng nhiều khách du lịch vẫn không tự tin khi mua hàng một mình bởi còn rất nhiều gánh hàng rong tranh thủ kiếm chác trước sự "ngây thơ" của những vị khách mới "chân ướt chân ráo" tới thăm Thủ đô.
Chị Hằng Nga, quản lý tại Hanoi Backparkers Hostel chuyên cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách nước ngoài trên phố Hàng Muối, chia sẻ, nhân viên của khách sạn thường tư vấn cho khách nên mua sắm ở các cửa hàng có niêm yết giá sẵn, còn nếu mua hàng rong thì phải tìm hiểu giá rồi mặc cả để tránh bị "chặt chém".
Có một số khách cẩn thận, trước khi mua sắm đồ hay đi ăn uống, còn hỏi nhân viên khách sạn về địa điểm và mức giá trung bình để không bị "hớ", chị Nga cho hay.
Không phải ai cũng im lặng trước sự lừa dối trắng trợn của một số người bán hàng trục lợi. Khi thấy một du khách nước ngoài bị lừa mua chiếc khăn hàng fake (hàng nhái thương hiệu nổi tiếng) với giá cao ở phố Đinh Liệt, một khách hàng Việt biết tiếng Anh đã lên tiếng nói khẽ với khách về giá cả của món hàng này, ngay lập tức chủ cửa hàng lên tiếng nạt nộ, xua đuổi cho tới khi khách hàng Việt này dọa báo công an mới thôi.
Cũng có những vị khách Tây rất nhạy cảm trước sự "phân biệt đối xử" của người bán hàng nên trước khi mua thì quan sát rất kỹ cách mua hàng và trả giá của khách Việt để làm theo.
Là người bán hàng rong lâu năm ở khu vực phố cổ Hà Nội, chị Hoàn (quê ở Nam Định) rất bức xúc về kiểu buôn bán chộp giật. Chị Hoàn cho biết, trước khi quát "giá trên trời" với khách Tây, những người bán hàng này thường phải liếc nhìn xung quanh để đảm bảo không có công an, cũng không đông người. Sau khi "chặt chém" khách xong, họ sẽ rời đi rất nhanh để tránh bị lộ.
Người bán hàng này đã bán tấm thiệp 3D cho du khách với giá 200.000 đồng,
cao hơn gấp mấy lần so với giá trị thực.
Anh Thanh, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm, chia sẻ trong quá trình làm nghề, anh từng chứng kiến một vài chủ hàng thời trang, nhà hàng ăn uống, quán cà phê bán cho khách Việt thì đúng giá nhưng với khách Tây thì bán giá gấp vài lần, thậm chí vài chục lần nếu gặp được "khách sộp" mới đến Việt Nam lần đầu.
Do đó, anh Thanh thường dặn khách phải tìm hiểu kỹ giá trước khi mua, và chỉ nên mua đồ ở các cửa hàng uy tín, các siêu thị, còn mua hàng hiệu thì phải vào các trung tâm thương mại lớn. Nếu mới đến Việt Nam mà muốn đi mua hàng thì tốt nhất nên nhờ các bạn người Việt hoặc có hướng dẫn viên du lịch đi cùng để đảm bảo mua được hàng "xịn" với giá chuẩn.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tình trạng "chặt chém" khách du lịch ở Hà Nội đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo, phân biệt khách Tây-khách ta vẫn còn tiếp diễn, cần được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời và mạnh tay hơn để hình ảnh du lịch Việt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, mang lại doanh thu ổn định và bền vững cho ngành du lịch./.