Với chủ trương nhất quán phát triển du lịch bền vững, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều việc làm thiết thực để đưa các hoạt động du lịch ngày càng thân thiện với môi trường.
Một trong những việc làm đó là mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã cấp nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho hai tàu du lịch là tàu Âu Cơ QN 8889 của Công ty TNHH du thuyền Bhaya và tàu QN 8298 của Công ty TNHH Biển Ngọc. Đây là hai đơn vị kinh doanh tàu du lịch đã có nhiều nỗ lực trong giữ gìn môi trường biển, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ Kỳ quan-Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Để được dán nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh”, các tàu du lịch đã trải qua một kỳ kiểm tra khắt khe của các cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn. Theo đó, mỗi tàu du lịch phải đạt 29 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc, 9 tiêu chí khuyến khích, 5 tiêu chí cao cấp. Các tiêu chí này nhằm hướng tới mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, không khí, giảm thiểu ô nhiễm chất thải, nước thải, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay tỉnh Quảng Ninh có đội tàu khách du lịch lớn, đồng bộ và hiện đại nhất cả nước với khoảng 600 tàu đang hoạt động trên vịnh Hạ Long, trong đó có 200 tàu có khách lưu trú với đủ tiện nghi phục vụ du khách, được phân loại từ đạt tiêu chuẩn cho đến 4 sao. Số chuyến tàu xuất bến vào khoảng 100.000 lượt/năm, vận chuyển trên 25.500 lượt người/ngày. Các đội tàu biển du lịch đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng hình ảnh điểm đến và thu hút khách đến tham quan du lịch vịnh Hạ Long
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực nêu trên, hoạt động du lịch tàu biển vẫn còn những bất cập làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vịnh Hạ Long như: Chất thải gây ô nhiễm từ các hoạt động vận chuyển, neo đậu tàu, vệ sinh tàu, chất thải sinh hoạt của thủy thủ đoàn; hoạt động dịch vụ ăn uống, ngủ đêm trên tàu, dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan, lặn biển, tắm biển, chèo thuyền kayak…
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, để khắc phục những bất cập nêu trên, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường vịnh như: Cấm triệt để các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại vật liệu xây dựng rời có nguy cơ gây ô nhiễm; kiên quyết không cho các hoạt động sàng tuyển, bốc rót than trên vịnh; nghiêm cấm và xử lý kịp thời các hình thức đánh bắt thủy sản tận diệt; thường xuyên tổ chức thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long. Tỉnh cũng đã đầu tư một khoản ngân sách địa phương để hỗ trợ một bộ phận bà con ngư dân làng chài lên bờ sinh sống, làm ăn nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường du lịch trên vịnh Hạ Long.
Việc cấp nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho hai tàu du lịch là bước khởi đầu quan trọng để tỉnh Quảng Ninh triển khai việc cấp nhãn sinh thái này cho các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long trong thời gian tới. Theo lộ trình, năm 2019 tỉnh sẽ dán nhãn cho 20 tàu du lịch và các năm sau đó, tiếp tục dãn nhãn cho các tàu đạt tiêu chuẩn theo quy định. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, việc cấp nhãn “Cánh buồm xanh” đã giúp các các đơn vị kinh doanh du lịch nhận thức đúng tầm quan trọng của du lịch thân thiện với môi trường, đồng thời tạo động lực cho các đơn vị này thực thi đầy đủ các quy định pháp lý liên quan và áp dụng các biện pháp thực tiễn tốt nhất về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong tương lai gần, những phương tiện không đủ tiêu chuẩn dán nhãn sinh thái sẽ không được phép hoạt động chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long. Vì mục tiêu nhất quán của tỉnh Quảng Ninh là phát triển du lịch bền vững nhằm xây dựng vịnh Hạ Long trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong nước và khu vực châu Á.