Năm 2004, khi công trình Thủy điện Cần Đơn đi vào hoạt động, nhiều diện tích đất rừng tại huyện Bù Đốp, Bình Phước, bị nhấn chìm trong nước. Hàng trăm ha rừng bán ngập không còn cây cỏ, khi nước rút, nơi đây như “sa mạc”.
Nhờ nỗ lực của chính quyền và cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, vùng “đất chết” đã hồi sinh kỳ diệu. Những cánh rừng bán ngập ngày càng xanh tốt, tạo thành hệ sinh thái quan trọng ở khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn.
Không chỉ thế, nơi đây còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái, cơ hội để nhiều người biết, Bình Phước cũng có những cảnh thiên nhiên đẹp như tranh.
Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, chúng tôi xuyên gần chục cây số đường rừng. Sau đó lên ca nô đi tham quan ốc đảo Bù Đốp ở đầu nguồn sông Đắk Huýt. Dọc đường, một cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang xuýt xoa: “Không ngờ Bình Phước lại có cảnh đẹp như tranh, trên rừng, dưới sông, hữu tình đến vậy”.
Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp vẫn tiếp tục gắn bó với rừng
Hiện Bù Đốp chỉ còn hơn 6.000ha rừng tự nhiên. Trong đó có hơn 300ha rừng khộp với những cây đầu dòng từ vài chục đến hơn trăm năm tuổi. Ngoài ra, diện tích rừng ngập mặn đã đưa rừng Bù Đốp nằm trong top những cánh rừng độc đáo ở khu vực Đông Nam bộ.
Rừng bán ngập có tác dụng to lớn trong việc bảo vệ bờ hồ, điều hòa khí hậu, hạn chế xói lở mỗi khi nước thủy điện rút vào mùa khô. Bên cạnh đó, rừng đầu nguồn kết hợp trồng rừng bán ngập, vẻ đẹp tự nhiên của khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện Cần Đơn thu hút đông đảo người dân đến tham quan.
Nhằm nâng cao giá trị cảnh quan thiên nhiên của địa phương, huyện Bù Đốp đã triển khai xây dựng khu vực này thành điểm du lịch sinh thái gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng bán ngập; đồng thời, thành lập Cty TNHH MTV Thương mại, dịch vụ, du lịch Bù Đốp để quản lý du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ rừng đầu nguồn.
Ông Nguyễn Văn Ách (Bảy Ách), nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, người gắn bó cả đời với rừng Bù Đốp cho biết, ngoài các loài động, thực vật sẵn có trong rừng như chim di cư, một số loài động vật có xương sống, lưỡng cư bò sát... dưới mặt nước còn có nhiều loài thuỷ sinh, cá, chim nước sinh sôi, phát triển.
Tại khu vực lòng hồ Cần Đơn, nguồn thủy sản ngày càng phong phú, nhiều nhà bè xuất hiện kết hợp nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản. Hiện tại có hàng chục hộ đang kinh doanh tại đây với các nhà hàng, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
“Có thể nói, mô hình rừng bán ngập quanh lòng hồ thủy điện Cần Đơn tại huyện Bù Đốp đã giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, tạo nên một sản phẩm du lịch sinh thái cực kỳ độc đáo, mới lạ, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với công tác bảo vệ rừng, việc phát triển rừng bán ngập góp phần làm đa dạng thêm vùng sinh thái quý giá cho địa phương vùng biên giới Bù Đốp”, ông Bảy Ách nói.
Trên ốc đảo, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã xây dựng hàng chục ngôi nhà lá, lán trại bằng lồ ô dọc hồ thủy điện Cần Đơn. Song song đó là hệ thống đường đi lại, hệ thống công cộng cũng được xây dựng.
Ông Bảy cho biết, một thời gian nữa khi đến đây, du khách đến đây sẽ được tham quan rừng xanh đầu nguồn, rừng khộp và khu bảo tồn rừng trên dòng sông Đắk Huýt, hồ Cần Đơn. Sau đó có thể nằm nghỉ ngơi trên võng trong những chòi lá cất dưới tán rừng, nghe chim hót, vượn hú…