Bình Định: Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 30/10/2018
Nhằm tăng cường nhận thức của người dân về du lịch, hoạt động dịch vụ du lịch đúng pháp luật, Sở Du lịch Bình Định đã tổ chức đợt truyền thông về du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng trong tỉnh. Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở Du lịch, về vấn đề này.

Một góc biển Bãi Xếp (KV 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), địa phương đang phát triển DL cộng đồng. Ảnh: N.V

* Được biết, Sở Du lịch (DL) vừa tổ chức một đợt truyền thông nâng cao nhận thức về DL và dịch vụ DL cho cộng đồng dân cư có hoạt động dịch vụ DL tại một số địa phương trọng điểm phát triển DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh, xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa của hoạt động này?

- Du lịch cộng đồng bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 và trong những năm gần đây trở thành một xu hướng DL phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. DL cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động DL và thu được các lợi ích KT-XH từ các hoạt động DL, và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương.

Thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND của UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành DL tỉnh Bình Định năm 2018, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các lớp truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về DL, nghiệp vụ DL cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động dịch vụ DL, phát triển DL cộng đồng tại 6 xã, phường trên địa bàn tỉnh, gồm: Xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn); xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn); xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ); xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn). Các địa phương này đều có tiềm năng DL đặc sắc và có thế mạnh phát triển DL cộng đồng.

Các lớp truyền thông được tổ chức nhằm trang bị cho cộng đồng kiến thức cơ bản về DL bền vững, quy định pháp luật về hoạt động DL; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Bà con cũng được hướng dẫn nghiệp vụ DL cơ bản như lễ tân, buồng, quảng bá, ứng xử văn minh DL...

Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm xây dựng, phát triển sản phẩm DL cộng đồng và hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phát huy trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động DL.

* Còn về các nội dung truyền thông, thưa bà?

- Trong thời gian từ ngày 17/10 đến 26/10, tại 6 xã, phường trên địa bàn tỉnh, Sở DL đã tổ chức 6 buổi truyền thông về DL cộng đồng cho gần 500 đại diện hộ gia đình có hoạt động dịch vụ DL. Các hộ gia đình đã được các báo cáo viên của Sở DL và Trường CĐ Bình Định truyền đạt những nội dung: Các sản phẩm dựa vào DL cộng đồng (homestay, trải nghiệm văn hóa - lịch sử, ẩm thực, hướng dẫn DL, vận chuyển khách DL…); những quy định pháp luật về những điều được làm và không được làm trong hoạt động DL để phát triển DL bền vững; một số kiến thức, nghiệp vụ kinh doanh DL (lễ tân, buồng, hướng dẫn viên…); văn hóa ứng xử trong DL...

Với phương thức truyền thông trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu, các báo cáo viên lồng ghép phương pháp vừa học vừa giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, đặt ra các câu hỏi phù hợp với thực tế để học viên trả lời, giúp cho việc tiếp nhận kiến thức của học viên đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, ở lớp truyền thông tại xã ven biển như Nhơn Lý, Nhơn Hải, một số hộ gia đình không những tích cực phát biểu ý kiến tương tác với báo cáo viên, mà còn có những chia sẻ, vận động các hộ gia đình khác đi đầu trong trách nhiệm bảo vệ môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp, đưa hoạt động DL vào nền nếp.

* Bà có thể cho biết kết quả của đợt hoạt động truyền thông DL cộng đồng và kỳ vọng điều gì qua đợt truyền thông này?

- Đợt truyền thông, bồi dưỡng kiến thức DL bước đầu giúp cộng đồng dân cư tiếp cận khái niệm, các nguyên tắc chung, lợi ích và trách nhiệm khi phát triển dịch vụ DL cộng đồng. Đồng thời, đây là một cơ hội cho cơ quan chuyên môn tiếp xúc trực tiếp với người dân tại các địa bàn đang có hoạt động DL hoặc có tiềm năng phát triển DL để nắm bắt mức độ tham gia, năng lực đáp ứng của cộng đồng cũng như ý kiến của người dân về những thuận lợi và thách thức khi mở cửa cho DL và những tác động tích cực cũng như tiêu cực mà DL mang lại.

Chúng tôi mong muốn, qua tham dự lớp truyền thông, các hộ gia đình được nâng cao kiến thức, nghiệp vụ để họ thực sự là chủ thể các hoạt động DL tại chỗ; góp phần thúc đẩy hoạt động DL cộng đồng bền vững tại địa phương. Đặc biệt, qua chuyên đề “Những điều không nên làm đối với cộng đồng khi hoạt động DL”, chúng tôi hy vọng góp phần hạn chế tình trạng chèo kéo, tranh giành khách... tại một số điểm DL hiện nay.

* Xin cảm ơn bà.

Nguồn: Báo Bình Định