Sáng 6/12 tới đây tại Hạ Long, TCDL (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển. Dự kiến sẽ có 150 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo, trong đó có đại diện của các trung tâm du lịch tàu biển quốc tế Hongkong, Thượng Hải, Singapore, một số hãng tàu biển lớn chuyên gửi khách quốc tế đến Việt Nam như Royal Caribbean Cruises, Genting Cruise Lines, Costa Cruise, MSC Cruise...
Tàu biển Celebrity Millennium cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách tàu biển (đứng thứ 4 trong khu vực châu Á về số lượt tàu cập cảng năm 2017, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan). Hàng năm, Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch tàu biển với gần 500 chuyến tàu cập cảng, chiếm từ 2-3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách tàu biển du lịch Việt Nam đến từ nhiều thị trường khác nhau như châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là ở các thị trường gần như Trung Quốc và ASEAN. Nhiều tàu biển có khả năng chở khách lớn trên thế giới đã cập cảng Việt Nam như: Quantum of the Seas, Voyages of the Seas, Dream Cruises, Super Star Aquarius… Các cảng thường xuyên đón khách tàu biển gồm Hòn Gai, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc...
Việt Nam đã trở thành điểm đến quen thuộc trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế. Mặc dù có sự phát triển nhưng du lịch tàu biển của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có sự đột phá, lượng khách du lịch tàu biển chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch tàu biển chưa cao, sản phẩm du lịch tàu biển chưa hấp dẫn khách du lịch, thời gian lưu lại trên bờ của khách thường ngắn chỉ từ 8-24 tiếng... dẫn đến mức chi tiêu thấp. Nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa có cảng hành khách chuyên dụng để đón khách du lịch tàu biển, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, năng lực doanh nghiệp du lịch Việt Nam đón khách tàu biển còn yếu, một số cơ chế, chính sách liên quan đến đón khách tàu biển đã có cải tiến nhưng vẫn chưa thực sự thuận lợi, nguồn nhân lực phục vụ cho đón khách du lịch tàu biển du lịch còn chưa đáp ứng đủ về trình độ, kỹ năng…
Với mong muốn tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch tàu biển trong thời gian tới, hội thảo sẽ là diễn đàn để thảo luận trao đổi kinh nghiệm với các nước có ngành dịch vụ tàu biển phát triển, các hãng tàu biển quốc tế, các đại lý hàng hải… nhằm tìm ra những hướng đi cụ thể, hiệu quả, góp phần thúc đẩy du lịch tàu biển của nước ta phát triển nhanh, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch tàu biển trong khu vực.
Trong thời gian tổ chức hội thảo, các đại biểu sẽ khảo sát cảng quốc tế Hòn Gai - cảng tàu khách quốc tế chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam có quy mô hiện đại mới chính thức đi vào hoạt động.