Với lợi thế hơn 128km đường biển, Thừa Thiên-Huế xác định đến năm 2020, phát triển mạnh du lịch biển và đầm phá nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, nhất là du lịch sinh thái ở khu vực Chân Mây-Lăng Cô.
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên-Huế tiếp tục có thêm 2 dự án kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch sinh thái biển, gồm dự án khu du lịch sinh thái biển Hải Dương (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc).
Trong đó, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư TDH biển Hải Dương Huế có tổng diện tích đất 134ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.
Dự án còn lại (khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư nhằm xây dựng một khu du lịch-nghỉ dưỡng kết hợp các dịch vụ ẩm thực, vui chơi, tạo nên điểm nhấn đặc sắc tại khu vực đầm phá Cầu Hai.
Dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng (chưa kể tiền thuê đất); khu đất có chức năng là đất du lịch, thương mại dịch vụ này chủ yếu là đất mặt nước và 5.223,3m2 đất lúa; mật độ xây dựng không quá 25%; tiến độ thực hiện dự án không quá 48 tháng tính từ thời điểm thuê đất; thời gian thuê đất là 50 năm với hình thức nộp tiền thuê đất hàng năm.
Huế là thành phố thơ mộng thuộc miền trung Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây, khí hậu tương đối khắc nghiệt khi nắng nóng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.
Không chỉ là trung tâm di sản của miền Trung, du lịch Huế hiện nay đang nổi lên như là điểm đến mới hấp dẫn của du lịch nghỉ dưỡng với nhiều bãi biển đẹp tuyệt.
Hiện tại ở đây có 7 bãi biển khách du lịch có thể khám phá trong mùa du lịch biển hấp dẫn với sự lựa chọn mới mẻ.
Đó là bãi biển Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương, Vinh Thanh, Hàm Rồng, Hải Bình (biển Lộc Bình) và bãi biển Phú Diên.
Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển.
Đường ven bờ biển trải dài trên 12km, trong đó ba bãi tắm được quy hoạch trên 700m bờ biển là bãi tắm số 1, bãi tắm số 2 và bãi tắm Phú Thuận. Nước biển tại các bãi tắm ở Thuận An trong xanh và rất yên tĩnh.
Vịnh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) từ khi được công nhận là Vịnh đẹp thế giới. Nơi đây được xem là mũi đột phá của du lịch biển với các mục tiêu cụ thể như xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, gắn với thành phố Huế thành đầu mối liên kết vùng với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế; hình thành tuyến du lịch Huế-Cảnh Dương-Cù Dù-Lăng Cô-Sơn Chà và tuyến du lịch đường biển Lăng Cô-Sơn Chà-Đà Nẵng-Hội An.
Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5km, cách thành phố Huế hơn 60km và cách Đà Nẵng 20km; là vịnh biển gần như nguyên sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân, với bãi tắm phẳng lì, nước xanh ngắt bao la tuyệt đẹp với hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú.
Nhìn ra xa là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn trải rộng trên địa bàn thật hấp dẫn.
Đây là một trong những thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, được Vua Khải Định xem là chốn bồng lai tiên cảnh.
Hiện nay, bên cạnh nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động có hiệu quả như Nirvana Spa & Resort, Cố Đô, Hương Giang, Thanh Tâm, Lăng Cô vẫn đang đón nhận thêm nhiều dự án đầu tư mới vào nơi này như Khu du lịch Laguna Lăng Cô-Huế, Khu du lịch Bãi Chuối, Khu du lịch sinh thái đầm Lập An, Khu phức hợp văn phòng, khách sạn Thủ Đức Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng Dream Palace...
Ngoài các đơn vị có chỗ đứng cách đây hàng chục năm như Công ty cổ phần du lịch Hương Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Tâm, du lịch Cố Đô và hệ thống nhà nghỉ của khách sạn Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), mới đây, Lăng Cô có thêm các dự án đầu tư nước ngoài đến triển khai xây dựng.
Đáng chú ý, dự án Laguna Lăng Cô vừa tăng vốn lên 2 tỷ USD và bổ sung hoạt động kinh doanh casino tại đây.
Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh casino chiếm diện tích 2,64 ha với vốn đầu tư dự kiến 249,8 triệu USD.
Các hạng mục đầu tư thêm so với quy mô cũ gồm khách sạn tăng từ 2.180 phòng lên 3.178 phòng; biệt thự tăng từ 1.180 căn lên 2.253 căn.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 5/12/2008), dự án Laguna Lăng Cô Huế thuộc phân khu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp - là phân khu bắt buộc tuân thủ quy hoạch.
Tính tổng cộng, khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách.
Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên-Huế.
Năm 2018, Lăng Cô thu hút khoảng hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.400 tỷ đồng.
Với lợi thế hơn 128km đường biển và hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á rộng trên 22.000 ha, Thừa Thiên-Huế xác định đến năm 2020, phát triển mạnh du lịch biển và đầm phá nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, nhất là du lịch sinh thái, tập trung ở khu vực Chân Mây-Lăng Cô và vùng ven biển, ven đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch biển để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, tỉnh luôn chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch biển, đầu tư triển khai hàng loạt dự án mới nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương.