Khu vực cấm tắm nhưng dòng người vẫn ào ạt bơi lội vui đùa, những biển báo “cấm” thì bị xé rách tả tơi, thậm chí bị biến thành móc treo quần áo...là những hình ảnh dễ dàng nhìn thấy khi đến các khu vực chưa hoàn thiện của bãi biển Bãi Cháy vào hè này. Ý thức của một bộ phận du khách coi thường an toàn sức khỏe, thậm chí là tính mạng đang ngày càng trở nên đáng báo động.
Mùa hè 2019 chứng kiến sự thay đổi vượt bậc về diện mạo của khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khi thành phố hoàn thành việc chỉnh trang bãi tắm Bãi Cháy vô cùng sạch đẹp, rộng rãi.
Sự xuất hiện của bãi tắm Bãi Cháy mới cùng hệ sinh thái các dịch vụ vui chơi giải trí tại công viên Sun World Halong Complex đã thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày.
Bãi tắm Bãi Cháy vào các buổi chiều thường đông nghịt khách du lịch và người dân tới tắm biển, vui chơi.
Nhưng không phải tất cả du khách đều tuân thủ đúng những quy định về an toàn.
Bằng chứng là nhiều người vẫn lao xuống tắm ngay tại khu vực chình ình tấm biển "Cấm tắm". Anh Hưng, nhân viên cứu hộ tại bãi tắm Bãi Cháy phản ảnh: "Tuy có biển cấm nhưng vẫn có rất nhiều du khách cố tình xuống tắm tại các khu vực này. Chúng tôi đã nhắc nhở rất nhiều nhưng không xuể được. Nhắc người này thì lại hụt mất người kia". Anh Hưng than thở, do bãi tắm còn đang tiếp tục được chỉnh trang, hoàn thiện sạch đẹp hơn nên có một số khu vực nguy hiểm, ban quản lý đã có biển báo, thậm chí căng dây để cách ly, nhưng thời tiết đẹp, cộng với sóng biển mời gọi nên du khách cứ thế vô tư….thỏa thuê bơi lội, phớt lờ biển cấm.
Biển cấm tắm rất to, để ngay mặt đường vào, khiến ai nấy đi qua đều chú ý...
…ngay dưới chân biển báo, BQL còn căng dây để nhắc nhở du khách không bước qua, nhưng vẫn không ngăn được dòng khách ào qua.
Thanh minh cho việc bơi lội tại khu vực cấm, chị Hoàng Nhung (du khách đến từ Hải Phòng) cho biết, do thấy tiện đường đi, mà cũng nhiều người xuống tắm, nên chị và cả nhà vẫn xuống như bình thường.
"Tôi thấy bãi tắm cũng sạch sẽ, sóng biển vừa phải, nhiều người cũng tắm ở đấy chứ có thấy mất an toàn gì đâu. Bãi bên kia đông quá, đi lại xa hơn nên nhà tôi tắm luôn ở đây cho tiện, lại ít người hơn, thoải mái hơn", chị Nhung cho hay.
Không những vậy, các biển cấm tắm còn bị xé rách để làm giấy lót….chỗ ngồi. Để trơ lại mỗi khung sắt thành…móc treo quần áo cho những người xuống tắm mà ngại gửi đồ.
Và trong lúc chờ người thân tắm tráng, người đàn ông này tranh thủ tựa vào khung sắt nơi tấm biển cấm đã bị xé toạc không chút dấu vết để …"tám" điện thoại. BQL thường xuyên phải đi kiểm tra, bổ sung biển cảnh báo mới.
Việc nhiều du khách tắm biển tại các khu vực nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của du khách mà còn khiến cho đội ngũ cứu hộ phải làm việc hết công suất.
Anh Phong, trưởng một nhóm cứu hộ tại Bãi Cháy cho hay, du khách đến tắm đông nhất vào các buổi chiều hàng ngày. Đây cũng là lúc anh và đồng đội phải làm việc vất vả nhất. "Lực lượng của chúng tôi có hạn, du khách lại đông, họ đi tràn xuống bãi, bất chấp biển cấm. Chúng tôi nhắc không xuể, mà có nhắc họ cũng kệ. Chúng tôi thường phải vác loa xuống tận sát mép nước hò hét thì may ra họ mới lên", anh Phong nói.
Trong khi đó, chị Hương (một du khách đến từ Hà Nội) cùng gia đình vui chơi tại khu vực an toàn của bãi tắm Bãi Cháy cũng phàn nàn: "Riêng gia đình tôi tuyệt đối tuân thủ quy định. Tính mạng mình không quý thì ai giữ hộ? Cơ quan chức năng đã cắm biểm cấm tức là chắc chắn có nguy hiểm rồi. Đội ngũ cứu hộ cứu nạn đã không thấm vào đâu so với số lượng du khách, mà lại phải phân tán chỉ để nhăm nhe xuống lùa các khách vi phạm quy định lên bờ thì làm sao họ còn để tâm được tới các đối tượng khách khác".
Đã có không ít trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra tại những khu vực cấm tắm. "Là một người cứu hộ, tôi chỉ mong các du khách vui chơi vui vẻ nhưng nên có ý thức tốt hơn để đảm bảo an toàn tính mạng. Không ai mong muốn điều xấu xảy ra cả", anh Phong chia sẻ.
Vân Hồ