“Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa”.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ ra quân toàn quốc Phong trào Chống rác thải nhựa hồi tháng 6/2019 đến nay luôn là kim chỉ nam hành động để các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động chống rác thải nhựa xây dựng môi trường sống bền vững và an toàn.
Thứ trường Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (thứ hai từ trái qua) tham gia Lễ ra quân dọn rác thải nhựa tại biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) tháng 6/2018. Ảnh: Việt Hùng.
Lan tỏa mạnh mẽ
Các phong trào chống rác thải nhựa trên cả nước đã, đang và sẽ lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo sự đồng lòng chung tay hành động vì sự phát triển bền vững đất nước.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với ô nhiễm do rác thải nhựa gia tăng. Mỗi năm, có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg/người lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.
Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chọn chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đó là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Ngay tại Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày, thành phố này có hơn 1.000 tấn rác thải ra môi trường, trong đó, phần lớn là rác thải nhựa và ni lông. Mặc dù, chưa có số liệu thống kê về nguồn rác thải nhựa tồn tại trong lòng đại dương, tuy vậy, có thể nhận thấy rất rõ, một lượng lớn rác thải nhựa đang tồn tại trong vùng biển Đà Nẵng. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của TP. Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu và rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô và sinh vật biển.
Các chuyên gia về môi trường đã chỉ ra rằng, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. Các hoạt động làm sạch biển cần phải được làm thường xuyên, liên tục, được thực hiện ngay với mỗi người dân, trong từng chuyến ra khơi.
Thời gian qua, các phong trào chống rác thải nhựa đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân, tạo sự đồng lòng chung tay hành động. Tuy vậy, để thực sự trở thành một ý thức trong toàn cộng đồng vẫn cần một thời gian nữa để chuyển đổi. Trong đó, điều không thể thiếu là việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Có chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.
Đặc biệt, 28 tỉnh/thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển đã triển khai các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó, tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định phải là hoạt động thường xuyên. Trong đó, tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
“Làm sạch biển”, “chống ô nhiễm rác thải nhựa”, “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”… là những chủ đề tuyên truyền và hoạt động thiết thực mà Báo Tài nguyên và Môi trường đã kiên trì triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức trong thời gian qua. Ở số báo này, với một địa phương cụ thể, chúng tôi chỉ có một mong muốn nhỏ bé rằng, đưa đến bạn đọc một sự cổ vũ, những điển hình trong cách nghĩ, cách làm, trong một sự thống nhất hành động chung, cùng cất tiếng “nói không với rác thải nhựa”.
Đặc biệt, với sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, các hoạt động của Báo Tài nguyên và Môi trường không chỉ cổ vũ phong trào làm sạch biển, mà còn có những hỗ trợ ý nghĩa với chính những ngư dân bám biển. Những chiếc áo phao, chiếc thùng đựng rác trên những con tàu khi ra khơi, những phần quà nhỏ… mà Báo trao tặng ngư dân là những động viên thiết thực, cổ vũ bà con tự giác, tự nguyện dưỡng biển, chăm sóc chính nguồn sống của mình.
Biển đem lại tôm cá, là nơi sinh kế cho bao thế hệ người dân. Bởi thế, mỗi hành động giữ sạch biển hôm nay, chính là cách thiết thực để trả ơn thiên nhiên, để con người và biển cả luôn sống trong mối giao hòa, gần gũi.
Ngọc Lý