Ninh Bình: Cần nhân rộng các mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường

Cập nhật: 06/01/2009
Ngoài việc tăng cường quản lý, đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động vi phạm luật môi trường, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, Ninh Bình đã xây dựng được hàng chục mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường như mô hình "năng suất xanh", mô hình "làng sinh thái", mô hình xanh hóa trường học, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, mô hình sản xuất rau an toàn...

Trong đó nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như mô hình làng sinh thái vườn thị xã Gia Hòa (Gia Viễn), mô hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, mô hình xanh hóa trường học ở trường THCS Ninh Khánh, THPT Nguyễn Huệ ( thành phố Ninh Bình), trường tiểu học Quang Thiện (Kim Sơn), mô hình thu gom vỏ chai lọ, gói thuốc bảo vệ thực vật ở xã Thạch Bình ( Nho Quan), mô hình xây dựng làm vệ sinh làng xóm, trồng cây xanh đường làng ở Gia Viễn, Kim Sơn... tạo môi trường xanh, sạch, đẹp , bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, do nhận thức của người dân và cán bộ chưa cao, nên công tác bảo vệ môi trường cần được xã hội hoá cao hơn với nhiều mô hình phù hợp tại các địa phương, với nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và nhiều lực lượng tham gia. Chi cục Bảo vệ môi trường đang tuyên truyền vận động nhân dân các vùng nông thôn trong tỉnh tích cực bảo vệ môi trường, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn mở rộng mô hình sử dụng khí sinh học Biogas phục vụ sinh hoạt. Cùng với đó, Ninh Bình đang nghiên cứu thành lập Trung tâm quan trắc môi trường, thành lập quĩ bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Theo đánh giá của ngành khoa học và quản lý môi trường tỉnh, thời gian qua, nhiều khu đô thị như thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và nhiều khu công nghiệp, mỏ khai thác đá, làng nghề đá Ninh Vân khói bụi lơ lửng vượt quá ngưỡng cho phép từ 1,1 - 1,15%. Ở hầu hết các cơ sở sản xuất xi măng, khí thải lò nung đã được khống chế ở mức cho phép, nhưng do cộng hưởng của khói bụi do các hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng, nên không khí ở những vùng này vẫn bị ô nhiễm nặng. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2008, Chi cục Bảo vệ môi trường ( Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn, chất thải y tế cho hàng trăm cán bộ làm công tác môi trường. Chi cục đã thẩm định về môi trường ở 12 dự án đầu tư, trong đó có 7 dự án sản xuất vật liệu xây dựng, 3 dự án nông nghiệp và 1 dự án xử lý chất thải rắn, đồng thời tổ chức kiểm tra chất lượng môi trường ở 16 đơn vị sản xuất kinh doanh như lò nung clanhke của nhà máy xi măng- vật liệu xây dựng Tam Điệp, nhà máy xi măng 207, đánh giá hàm lượng Asen trong nguồn nước sinh hoạt của 17 xã, phường trong tỉnh. Chi cục cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn các cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường ở 3 kho thuốc bảo vệ thực vật trước đây.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường