Sau 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai đã có nhiều chính sách cũng như các hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong điều kiện môi trường cụ thể nhằm đạt hiệu quả tích cực nhất.
Lớp học đánh cồng chiêng dành cho thiếu nhi do các nghệ nhân làng Ốp (phường Hoa Lư, TP Pleiku) truyền dạy.
Nỗ lực bảo tồn
Đối với dân làng Hăng Rinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), âm nhạc cồng chiêng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Khi chúng tôi đến thăm, già làng Rơ Lan Hào với người bạn nối khố là ông Rah Lan Nam đang bày ra giữa sân những chiếc chiêng cổ rồi tỉ mỉ lau chùi. Già Hào chia sẻ: “Bộ chiêng này quý lắm đấy, nó hơn 100 năm tuổi rồi, nên làng mình coi như báu vật. Nó là chiêng của nhà bà Rơ Mah Lich. Bộ chiêng này do cha ông nhà bà Lich để lại, bà chỉ cho làng mượn để đánh vào các ngày lễ hội hay dịp quan trọng. Trong làng còn nhiều bộ chiêng, nhưng bộ chiêng này cho âm thanh hay nên thường xuyên được sử dụng…”. Theo lời già Hào, ngày xưa người làng Hăng Rinh có quan niệm, con trai phải biết đánh chiêng, con gái phải biết múa xoang mới được tham gia vui chơi trong các ngày lễ, ngày hội của làng. Thế nên khi lên 10 - 15 tuổi, trai gái của làng bắt đầu tìm đến những người biết đánh chiêng, múa xoang hay của làng để học. Cứ thế đến nay, người làng Hăng Rinh vẫn giữ gìn âm thanh đại ngàn bằng cách truyền dạy cồng chiêng cho nhau…
Là người thuần thục các bài chiêng truyền thống, già Nam và già Hào đóng vai trò là người thầy truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Trong các dịp được mời đi trình diễn, giao lưu âm nhạc, già Hào là người dẫn dắt, đưa đội chiêng đi giao lưu; còn già Nam là người tập luyện, lắng nghe âm thanh cồng chiêng để giúp đội hoàn thiện hơn. Đến nay, người làng Hăng Rinh hầu như ai cũng biết đánh chiêng; làng hiện có hai đội chiêng chính, gồm các nam thanh niên và các em nhỏ, thường được huyện mời đi giao lưu, tham gia các sự kiện văn hóa, phục vụ các lễ hội. Em Rơ Mah Tiên (10 tuổi) thành viên đội chiêng nhí cho biết: “Vì rất thích đánh chiêng và thích được đi biểu diễn nên em theo già Nam học đánh chiêng. Những ngày đầu tập luyện thì khó, nhưng nhờ chăm chỉ và được già Nam tận tình chỉ dạy nên đến giờ em đã thuần thục những bài chiêng cơ bản”. Trong làng có nhiều bạn trẻ cũng như Rơ Mah Tiên say mê luyện tập để được vào đội cồng chiêng của làng... Một nghệ nhân được nhiều người biết đến là ông Ksor Pup (buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) cho biết, ông học đánh chiêng từ khi còn nhỏ, cho nên không chỉ đánh thành thạo tất cả các loại chiêng mà còn giỏi về chỉnh âm thanh chiêng. Ông thường xuyên được mời cùng đội văn nghệ xã đi biểu diễn ở nhiều nơi. Tháng 6/2020, ông cùng với nhóm nghệ nhân 14 người ở xã Ia Broăi, vinh dự được ra Hà Nội cùng cộng đồng các dân tộc khác biểu diễn tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc J’Rai.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung, trong 15 năm qua, Gia Lai đã thực hiện nghiêm túc các cam kết từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng, đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học để tiếp tục duy trì, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng. Qua điều tra, thống kê sơ bộ tại 1.192 làng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng (dân tộc J’Rai có 3.373 bộ; dân tộc Bahnar có 2.282 bộ) và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm; toàn tỉnh có 900 nghệ nhân giỏi, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và đã có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Có thể nói, đây là những “báu vật nhân văn sống” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, nhiều năm qua tỉnh chủ trương duy trì đều đặn các cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở đến cấp tỉnh (hai năm tổ chức một lần ở cấp xã và cấp huyện; bốn năm tổ chức một lần ở cấp tỉnh). Các cuộc liên hoan này đã thu hút được đông đảo các nghệ nhân và dân làng tham gia vào hoạt động trình diễn, thưởng thức, cổ vũ. Có thể nói, đó là những giải pháp hiệu quả nhằm duy trì việc giao lưu, truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng, kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi của nghệ nhân và góp phần nâng cao nhận thức của người dân bản địa trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của cha ông. Đáng chú ý là ngoài những đội chiêng truyền thống, đội chiêng thiếu nhi, hiện đã xuất hiện khá nhiều đội chiêng nữ, phá vỡ quan niệm lâu đời về vai trò của nữ giới đối với cồng chiêng. Rõ ràng, từ nhu cầu thực tại trong đời sống văn hóa tinh thần, những chủ nhân di sản đã và đang viết tiếp một chương mới cho câu chuyện bảo tồn di sản cồng chiêng trong đời sống đương đại.
Đưa di sản thành tài sản
Hiện nay, kinh tế - xã hội phát triển đã và đang tạo ra sự biến đổi lớn về không gian, môi trường văn hóa, tác động sâu sắc đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong bối cảnh đương đại là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp và cấp bách. Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự thay đổi đời sống kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông - Nam Á” (năm 2009) và gần đây nhất là hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (năm 2018) được tổ chức tại TP Pleiku (Gia Lai), đã đưa ra nhiều giải pháp giá trị thiết thực. Trong đó, quan điểm và mục tiêu “đưa di sản thành tài sản” để người dân được hưởng lợi mang tính bảo tồn bền vững nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học và nghiên cứu văn hóa. Nếu bảo tồn chỉ dựa trên nguồn vốn ngân sách hạn chế thì rất khó, trong khi nếu biết huy động nguồn lực và sự chung tay của cộng đồng thì công việc này sẽ hiệu quả và lâu dài hơn. Khi di sản đem lại lợi ích vật chất và tinh thần thiết thực cho cộng đồng, người dân sẽ tự giác cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ, phát huy mà không cần hô hào, vận động.
Theo chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đào Xuân Mùi, quan điểm, mục tiêu biến di sản thành tài sản là: “Phải làm cho người dân hiểu rằng, giữ cho bằng được bản sắc văn hóa đó mới chính là gốc rễ, là vốn quý, mới biến di sản văn hóa cồng chiêng thành tài sản để khai thác du lịch, dịch vụ. Khi người dân được hưởng lợi từ di sản thì chính hoạt động du lịch sẽ là nguồn lực bền vững để hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được thăng hoa, rực rỡ và di sản do vậy, cũng thích ứng với đời sống đương đại”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết: “Trên cơ sở ý tưởng nêu trên, những năm gần đây, Gia Lai đã chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch, kết hợp lễ hội với yếu tố di sản thiên nhiên, xây dựng các tour du lịch cộng đồng. Đây thật sự là hướng đi mới mẻ, giúp cộng đồng bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch dịch vụ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững”.
Chị Đinh Thị Sơm, hướng dẫn viên Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chia sẻ: “Thời gian qua, làng đã đón khá nhiều đoàn khách từ nhiều nơi đến. Người dân trong làng được khuyến khích tham gia các phần việc theo khả năng, nhờ vậy mà có thêm thu nhập. Du khách đến làng, ngoài việc rất thích ẩm thực truyền thống do người dân tự làm, còn thích xem và trực tiếp trải nghiệm các nghề truyền thống như đan gùi, dệt thổ cẩm; đặc biệt, khách tham quan rất thích tham gia vào các hoạt động mang tính cộng đồng như biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, lửa trại trước sân nhà rông...”. Chia sẻ thêm về việc này, anh Rah Lan Thắng, Bí thư Chi đoàn làng Ốp (phường Hoa Lư, TP Pleiku) cho biết: Từ ngày được hỗ trợ và tặng bộ cồng chiêng, vào tối thứ hai và thứ năm hằng tuần, đội cồng chiêng thanh niên, thiếu niên tổ chức tập luyện và nhận được sự cổ vũ của dân làng. Ngoài những lúc tập trung tham gia các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương, đội cồng chiêng của làng còn nhận hợp đồng biểu diễn phục vụ khách du lịch tại một số điểm đến. Qua đó, các thành viên trong đội không những có điều kiện để rèn luyện mà còn có khoản thu nhập đáng kể”.
Từ kinh nghiệm triển khai các mô hình du lịch dựa vào di sản hiện nay, có thể nói Gia Lai đang có những bước đi đúng hướng, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ ra mắt đội chiêng nữ xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ (Gia Lai). Ảnh: Đức Thủy
Phan Hòa