Xây dựng hệ thống du lịch gắn liền với thiên nhiên, môi trường không rác thải là điều mà những người làm du lịch phải hướng tới. Đặc biệt Đà Nẵng là địa phương có nhiều ưu đãi về thiên nhiên thì việc phát triển và giữ gìn môi trường sạch đẹp để thu hút, phục vụ du lịch là điều rất quan trọng.
Hướng tới không gian tự nhiên, thân thiện
Xác định sự liên quan mật thiết của việc phát triển du lịch bền vững với một môi trường xanh, sạch, tại Đà Nẵng đã hình thành nhiều khu du lịch (KDL) sinh thái giúp du khách thư giãn, hòa mình với thiên nhiên. Bên cạnh những dịch vụ giải trí hiện đại thì những khu du lịch này có đặc điểm chung rất cuốn hút là mang lại không khí tự nhiên, ưu tiên nhiều không gian cho cây xanh bóng mát.
Khu du lịch sinh thái Núi Thần Tài ưu tiên những không gian thiên nhiên xanh mát
Trong đó phải kể đến một số KDL sinh thái tiêu biểu như: KDL sinh thái Suối Hoa, KDL sinh thái Ngầm Đôi, KDL sinh thái Núi Thần Tài, KDL sinh thái Hòa Phú Thành… Dựa vào địa hình tuyệt đẹp sẵn có, các khu du lịch đã tạo nên nhiều sản phẩm phục vụ hấp dẫn, như trò chơi trượt thác tự nhiên bằng xuồng cao su với hành trình 3km ở khu du lịch Hòa Phú Thành; hồ khoáng nóng tự nhiên được bao bọc bởi những tán cây xanh mát mẻ tại khu du lịch Núi Thần Tài cũng là nơi được đông đảo khách du lịch tìm đến; KDL Suối Hoa có cảnh quan chủ yếu là cây xanh tự nhiên cùng với những ngọn thác nhỏ tạo nên khung cảnh đẹp đẽ và mát mẻ giữa thời tiết nắng gắt của miền Trung là lựa chọn cho khách du lịch các lứa tuổi...
Không chỉ các khu du lịch sinh thái, hiện nay nhiều khách sạn cũng nắm bắt được nhu cầu của du khách tìm về thiên nhiên, qua đó đã nhanh chóng hình thành không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi mang hơi hướng tự nhiên xanh mát mang cây xanh về tới tận phòng nghỉ. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ý thức được việc cần phải bảo đảm môi trường sạch sẽ, an toàn, hạn chế rác thải nên đã sử dụng các vật dụng thân thiện không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Ví dụ như tại Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng các đồ dùng như bàn chải đánh răng, lược được đựng trong túi giấy; túi đựng đồ của khách cũng là túi cói và nón lá... Điều này đã hạn chế rất nhiều lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường khi Đà Nẵng đón vài triệu lượt khách mỗi năm trong hoạt động du lịch. Về vấn đề này, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết đơn vị luôn tuyên truyền, định hướng và khuyến khích người làm du lịch ý thức hơn trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cân bằng giữa lợi ích phát triển của đơn vị với trách nhiệm gìn giữ môi trường.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Với thông điệp TP. Đà Nẵng luôn sạch, đẹp để sẵn sàng đón chào du khách, Sở Du lịch Đà Nẵng đã nhiều lần triển khai các chương trình hành động bảo vệ thiên nhiên, như như ra quân dọn vệ sinh tại 2 khu vực tuyến biển và bán đảo Sơn Trà; hưởng ứng bảo vệ môi trường biển; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện..
Ra quân làm sạch môi trường bãi biển, sẵn sàng chào đón du khách
BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đơn vị thường xuyên kiểm tra, tiến hành lắp đặt bảng khuyến cáo, sử dụng loa phóng thanh cố định và di động để tuyên truyền bảo vệ môi trường, bãi biển, lồng ghép những thông điệp dễ nhớ qua các phương tiện truyền thông đại chúng như: “Du khách có trách nhiệm”, “Thân thiện với môi trường”, “Ngưng xả rác”, “Du lịch văn minh”; đồng thời tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom, dọn dẹp rác thải trên bán đảo Sơn Trà thu hút hàng trăm tình nguyện viên là người dân, du khách - kể cả những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố. Điều này chứng tỏ cộng đồng đã có thay đổi rất nhiều về ý thức, trách nhiệm với môi trường.
Bãi biển Đà Nẵng sạch đẹp là nơi dừng chân lý tưởng của du khách
Cùng chung tay xây dựng đời sống xanh, thời gian qua đã có nhiều dự án, hoạt động bảo vệ môi trường biển, trồng cây gây rừng, phủ xanh do giới trẻ Đà Nẵng thực hiện ngày càng lan tỏa và tạo ra những thông điệp tích cực. Đơn cử như Dự án Green University DUE (dự án xây dựng “Đại học Xanh” do sinh viên Trường Đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thực hiện) đã thu hút đông đảo giới trẻ trên cả nước tham gia hưởng ứng, góp phần nâng cao sự hiểu biết của giới trẻ về bảo vệ môi trường. Với thông điệp “Mỗi ngày một hành động xanh”, dự án GUD hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy, phát triển lối sống xanh bền vững bắt đầu từ các trường học từ đó lan tỏa rộng khắp. Qua đó đã có rất nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm phát động những hành động đẹp bảo vệ môi trường. Điển hình như chương trình “Bình nước cá nhân”; “Phân loại rác”; cùng tham gia vào thử thách “Mỗi ngày một hành động xanh”, thực hiện các hoạt động đổi giấy và pin để lấy cây, phân loại rác thải, làm chậu cây, trồng cây và rất nhiều hoạt động thiết thực khác được sinh viên Đà Nẵng thực hiện nhằm bảo vệ môi trường sống.
Minh Châu