Điều may mắn là cả hai tổ chức bảo tồn thiên nhiên hàng đầu là Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới ((IUCN) và Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) đều quan tâm đến tương lai của rùa biển.
Trong suốt thời gian qua, họ đã liên kết được nỗ lực của các quốc gia, các khu vực có rùa biển sinh sống, xây dựng nhiều chương trình cứu hộ và bảo vệ rùa biển, đồng thời kêu gọi sự quan tâm rộng khắp toàn cầu về bảo vệ loài sinh vật biển quý hiếm này.
Thế giới chung tay
IUCN và WWF cho biết các chương trình bảo vệ rùa biển hiện nay hướng đến các mục tiêu giảm thiểu các nguyên nhân gây tử vong ở rùa; quản lý và bảo vệ các bãi đẻ, nơi ấp trứng; nâng cao nhân thức của cộng đồng trong việc bảo vệ rùa biển, tăng cường hợp tác giữa các nước trong việc bảo vệ và giảm thiểu các hoạt động buôn bán trái phép rùa biển.
Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã hợp tác cùng Chương trình hành động bảo vệ rùa biển ở khu vực Mỹ La Tinh và vùng biển Ca-ri-bê nhằm khôi phục lại số lượng loài rùa da ở đây.
Ngoài ra, ở khu vực này, WWF còn tập trung vào việc bảo vệ môi trường sống và số lượng của các loài rùa khác như quản đồng và rùa dứa. Khối các nước Mỹ La Tinh đã thông qua một công ước chung về bảo vệ rùa biển.
Ở châu Phi và châu Âu, với sự hỗ trợ của WWF, các quốc gia có rùa biển cũng đang nỗ lực bảo vệ môi trường sống và các bãi đẻ của chúng.
Côn Đảo – ngôi nhà bình yên
Là ngôi nhà sinh thái của 5 trong số 7 loài rùa trên thế giới, Việt Nam tham gia rất tích cực các hoạt động quốc tể về bảo vệ rùa biển. Điển hình như chương trình bảo tốn rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hàng năm, số lượng rùa biển đến làm tổ và sinh sản ở Côn Đảo là lớn nhất cả nước. Côn Đảo được xác định là khu vực bãi đẻ quan trọng nhất của rùa biển ở Việt Nam, chiếm hơn 90% số rùa biển đẻ được ghi nhận hàng năm ở nước ta.
Trung bình mỗi năm ở Côn Đảo có khoảng 350 rùa mẹ lên đảo đẻ trứng và số lượng trứng nở thành rùa con khoảng 50.000.
Năm 1995, được sự tài trợ của WWF – khu vực Đông Dương, chương trình bảo tồn rùa biển Côn Đảo bắt đầu đi vào hoạt động. Đây cũng là chương trình nghiên cứu và bảo tồn rùa biển đầu tiên của Việt Nam được triển khai một cách có hệ thống .
Mục đích của dự án là hạn chế tối thiểu sự bất lợi của tự nhiên đối với rùa biển, bảo vệ quần thể rùa biển; nghiên cứu và thực hiện các mô hình bảo tồn rùa biển; nghiên cứu các đặc tính sinh thái rùa biển và tham gia vào mạng lưới bảo tồn rùa biển ASEAN.
Các hoạt động chủ yếu của chương trình bao gồm theo dõi ngẫu nhiên về hoạt động làm tổ của rùa biển; cứu hộ rùa biển; và đeo thẻ tập trung cho rùa biển.
Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được năm loại rùa biển sinh sống ở nước ta gồm có quản đồng (Caretta caretta), rùa da (Dermochelys coriacea), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eretmochelys imbricate) và vích/rùa xanh (Chelonia mydas).
Cả 5 loài đều là những loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Riêng loài đồi mồi được xếp trong danh sách các loài nguy cấp của IUCN.
Côn Đảo có 14 bãi rùa đẻ, với tổng chiều dài 3,5 km bờ biển và tổng diện tích 24 ha. Mùa làm tổ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.
Các cá thể rùa cái trưởng thành lên sinh sản đều được bấm thẻ. Thông tin trên những chiếc thẻ monel giúp các chuyên gia có thể thống kê được lượng rùa lên bãi mỗi năm, kiểm tra vòng đời, số lần sinh sản của rùa một cách hệ thống theo mạng lưới bảo tồn rùa biển ASEAN, đồng thời nghiên cứu vùng thức ăn, đặc điểm sinh vật học từng cá thể rùa và khả năng tăng, giảm số lượng đàn trong khu vực.
Tính đến năm 2006, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đeo thẻ cho trên 2.027 rùa mẹ và 5 máy theo dõi đường di cư bằng tín hiệu vệ tinh. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả từ các hoạt động bảo tồn đã làm số rùa con nở tăng trên 400.000 con trong vòng 11 năm (1995-2006).
Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, cũng khoảng mùng 7, mùng 8 Tết Nguyên Đán, rùa biển đã về và lên bãi đẻ sớm hơn bình thường. Từ các trạm bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo có thể quan sát thấy rùa biển lên làm tổ tại bãi Dương, bãi Cạnh, hòn Cau. Các nhà nghiên cứu đã rất vui mừng vì cho rằng đó là dấu hiệu tốt báo hiệu một năm sẽ có nhiều rùa về đẻ trứng hơn.