Phục hồi thiên nhiên chính là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để xây dựng môi trường xanh, ngăn chặn đại dịch. Trong đó, việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn, góp phần tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch không chỉ với thiên nhiên mà với cả con người.
Xác định việc phục hồi thiên nhiên chính là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để xây dựng môi trường xanh, ngăn chặn đại dịch. Do đó, giữa những ngày dịch bệnh COVID-19 đỉnh điểm tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia vẫn nỗ lực trồng 2.000 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4ha tại rừng Đồng Nai và chuẩn bị trồng thêm gần 10.000 cây gỗ lớn tại Thanh Hóa. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo” do Gaia phát động vào tháng 6/2021, với không chỉ các hoạt động trồng rừng mà còn bao gồm nhiều nội dung truyền thông trên các trang mạng xã hội nhằm giúp công chúng hiểu rõ về đại dịch và vai trò của việc trồng rừng, phục hồi thiên nhiên trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ 2000 cây từ Premier Oil, Hướng Nghiệp Á Âu và gần 50 cá nhân từ nhóm IT và những người bạn. Chiến dịch cũng đã lan tỏa với hàng trăm ngàn lượt người trên mạng xã hội mỗi tuần.
Chia sẻ tại một buổi nói chuyện trực tuyến về COVID-19 và việc phục hồi thiên nhiên, bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết, “Phục hồi thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động thực vật hoang dã và do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch không chỉ với thiên nhiên mà với cả con người. Thấy được tầm quan trọng của việc trồng rừng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã đẩy mạnh chiến dịch, nỗ lực trồng rừng ngay trong thời kỳ COVID đỉnh điểm này”.
Những ngày qua, Gaia đã tiến hành nhiều cuộc họp, làm việc trực tuyến với các nhà tài trợ và cả đối tác địa phương để chuẩn bị công tác trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Mặc dù trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Gaia và các đơn vị đối tác vẫn quyết tâm tìm ra giải pháp để tiến hành trồng rừng nhằm đảm bảo mục tiêu kép, đồng thời tuân thủ mọi quy định của Chính phủ trong phòng chống dịch.
Đến nay, toàn bộ 2000 cây gỗ lớn bản địa thuộc 7 loài gồm: chiêu liêu, giáng hương, ươi, dầu, gõ đỏ, gõ mật, bằng lăng đã được trồng thành công với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, người dân địa phương và đặc biệt là sự giám sát của đội ngũ Gaia.
Trồng rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai không chỉ góp phần ngăn đại dịch tiếp theo, mà còn hướng đến bảo vệ một trong những quần thể Voi cuối cùng tại Việt Nam, cũng như bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cải thiện chức năng sinh thái của rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Được biết, khu rừng sẽ tiếp tục được Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai chăm sóc và giám sát trong 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Báo cáo giám sát khu rừng sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị, cá nhân tài trợ khu rừng.
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia là một tổ chức khoa học kỹ thuật không vì lợi nhuận. Gaia hoạt động với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Các chương trình hiện nay của Gaia gồm: trồng và phục hồi rừng; nâng cao năng lực cho cán bộ các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; rác thải nhựa và sống xanh; trải nghiệm thiên nhiên cho cộng đồng, gia đình, học sinh và giới trẻ.
|
Khải Bình