Biển tinh khôi lúc bình minh, biển với rác và rác, rác trên bờ, rác theo sóng ra biển và rác từ biển theo sóng vào bờ…
Vẻ đẹp, sự trong lành của biển bị phá vỡ bởi rác. Đó là những gì đang diễn ra ở vùng biển Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Theo những người dân trong làng, những ngày sau Tết, sóng đưa rác vào bờ, có lúc, rác chất thành đống cao đến cả mét. Lúc biển động, có đến 7/10 lượng rác trên bờ đã cuốn ra biển. Biển trải dài qua nhiều vùng, nhiều khu dân cư, nhiều rác thải… biển trở thành túi rác.
Dân làng biển là những người đầu tiên gặp nhiều phiền toái từ vùng biển rác. Mọi sinh hoạt hàng ngày trên bờ biển cùng với rác: Mua bán hải sản, ngồi trò chuyện, ăn uống…
Các nhà khoa học nghiên cứu biển đã bày tỏ sự lo ngại thực sự về mối nguy suy thoái môi trường biển Việt Nam vì rác thải. Đặc biệt đáng lo ngại là túi nilon, khi những loại rác chất dẻo này bị vứt xuống biển, chúng sẽ tạo thành những màng ngăn, khiến cho quá trình trao đổi khí giữa nước và đáy không thực hiện được, biến vùng nước sống thành vùng nước chết.
Để khôi phục lại vùng biển chết, ước tính phải mất cả đời người (từ 60 đến 100 năm). Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng hơn cả là thay đổi cách thu gom rác, phải thu gom ngay từ trên bờ.
Hầu hết các địa phương ven biển đều đưa ra kế hoạch bảo vệ môi trường biển bằng cách thu gom rác thải, không để rác thải ra biển. Nhưng ngày ngày, tại không ít các làng biển rác tiếp tục đưa ra biển. Sự cụ thể trong giải pháp bảo vệ môi trường biển ở từng làng biển, xóm biển vẫn còn là khoảng trống...