Buôn bán trái phép đe dọa voi châu Á

Cập nhật: 23/02/2009
Theo một phân tích về thị trường do Mạng lưới giám sát nạn buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) công bố ngày 16/02/2009, quẩn thể voi châu Á ít ỏi còn lại của khu vực Đông Dương ngày càng bị đe dọa thu hẹp do giá ngà voi trái phép đang tăng mạnh tại Việt Nam.

Tổ chức này cho biết để che mắt các cơ quan chức năng, những kẻ buôn bán lợi dụng trà trộn các sản phẩm từ ngà voi với nanh lợn và xương khắc.
Bản phân tích có tên “Đánh giá hiện trạng buôn bán ngà voi trái phép tại Việt Nam” cho biết giá ngà voi trái phép đang buôn bán tại Việt Nam hiện có thể đang ở mức cao nhất trên thế giới bởi, theo một số báo cáo, giá bán ngà voi lên tới 1.500USD/kg, thậm chí giá ngà voi nhỏ và ngà cắt miếng giá còn có giá cao hơn nữa.

Khảo sát cho thấy hầu hết số ngà voi thô có nguồn gốc từ Lào, và một số ít từ Việt Nam và Campuchia.

Ông Azrina Abdullah, giám đốc tổ chức TRAFFIC tại khu vực Đông Nam Á phát biểu: “Đây là một xu hướng đáng lo ngại, đồng thời cũng báo động rằng số lượng các loài voi châu Á sót lại vốn đã ít nay lại càng bị đe doạ hơn.”

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), ngay cả Lào - đất nước triệu voi – nay cũng chỉ còn không đến 1.000 cá thể voi sinh sống, còn ở Việt Nam, con số này là khoảng 150.

Cách đây không lâu, tháng 12/2008, TRAFFIC cũng mới công bố một báo cáo cho biết việc buôn lậu các cá thể voi châu Á còn sống và ngà voi có nguồn gốc từ Myanmar đang tăng nhanh và lan rộng.

Khảo sát ở Việt Nam cho thấy ngà voi ma mút nhập lậu từ Nga cũng được buôn bán với số lượng nhỏ, tuy nhiên không có ngà voi châu Phi thô nào được tìm thấy mặc dù nó đã từng được nhập lậu trái phép vào Việt Nam ít nhất đến tận năm 2004. Điều này khiến nhu cầu ngà voi châu Á ở Việt Nam và các nước lân cận càng gia tăng để đáp ứng thị trường luôn khát.

Việc buôn bán ngà voi đã bị cấm tại Việt Nam từ năm 1992, tuy nhiên theo TRAFFIC có một lỗ hổng lớn trong hệ thống pháp luật là các đại lý bán lẻ vẫn được phép bán ngà voi tồn kho vào thời điểm lệnh cấm bắt đầu được áp dụng. Điều này đã khiến các chủ cửa hang lợi dụng tích trữ trái phép các sản phẩm ngà voi và trà trộn các sản phẩm ngà voi trái phép được chạm khắc gần đây.

669 cửa hàng được điều tra, trong số đó 73 cửa hàng (chiếm11%) có bày bán, với tổng số 2.444 các vật phẩm làm bằng ngà voi.

Mặc dù quy mô của thị trường ngà voi hiện nay nhỏ hơn so với trước nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngà voi đang tăng và số lượng những người thợ thủ công chế tác ngà voi tăng lên kể từ năm 2001.

TP. HCM có số lượng cửa hàng bán lẻ (49) và bán các vật bằng ngà voi (1.176 ) nhiều nhất cả nước. Hà Nội tuy chỉ có 10 đại lý nhưng lại có số thợ thủ công chạm khắc ngà cao nhất.

“Mặc dù so với năm 2001, số lượng các sản phẩm từ ngà voi mua bán có giảm đi nhưng đã có sự chuyển hướng rõ rệt về kênh mua bán. Lượng sản phẩm ngà voi chế tác được bán qua môi giới và Internet tăng mạnh mà bỏ qua các cửa hàng bán lẻ”, ông Abdullah nhận xét.

Nhu cầu ngà voi trái phép đang tiếp tục tăng khiến cho giá đẩy lên cao hơn. Các vụ bắt giữ ngà voi thô gần đây ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam cho thấy chủ yếu là phục vụ thị trường Trung Quốc. Các khách hàng mua ngà voi nhiều nhất đến từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan), tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Việt kiều Mỹ và các nước châu Âu.

“Chúng ta cần ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi trái phép đang diễn ra hết sức tinh vi, vì chúng đang đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của loài voi châu Á – loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu.” Tiến sĩ Susan Lieberman, Giám đốc chương trình bảo vệ các loài của Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát biểu.

Trên cơ sở kết quả khảo sát và những phân tích, TRAFFIC đã có những khuyến nghị rất rõ ràng, rằng Việt Nam cần:

- Thực thi đầy đủ các điều khoản ký kết trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp (CITES).

- Thành lập cơ quan chuyên trách giám sát và ghi chép lại các vụ bắt giữ buôn bán voi và ngà voi trái phép, báo cáo chính xác và kịp thời đến Cơ quan giám sát thông tin về buôn bán voi (ETIS).

- Hợp tác chặt chẽ với Chương trình giám sát việc sát hại voi trái phép (MIKE) thuộc CITES và đảm bảo phân bổ các nguồn lực hợp lý để duy trì chương trình giám sát cũng như việc báo cáo.

- Tiếp tục tham gia vào sáng kiến Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã của hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN-WEN ) và tăng cường các nỗ lực để kiểm soát buôn bán ngà voi trái phép cũng như các sản phẩm từ động vật hoang dã khác.

- Ban hành/sửa đổi các quy định luật pháp một cách rõ ràng rằng việc buôn bán, sở hữu, mua bán, vận chuyển ngà voi thô hay đã được chế tác là bị cấm hoàn toàn, bất kể ngày tháng sản xuất hay bắt giữ.

- Xác định và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan có trách nhiệm thực thi luật, đẩy mạnh việc bắt giữ cũng như tịch thu các sản phẩm từ động vật hoang dã bao gồm ngà voi ở trong nước cũng như là ở khu vực biên giới.

- Đào tạo tốt và khuyến khích, động viên các cơ quan có chức năng thực thi luật buôn bán động vật hoang dã thông qua các chương trình đào tạo quốc gia và các hội thảo, điển hình như các chương trình của ASEAN-WEN.

- Trừng phạt nghiêm theo luật pháp những kẻ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

- Tịch thu và tiêu huỷ tất cả các sản phẩm ngà voi được bày bán trong các cửa hàng, đại lý hiện nay. Chính phủ có thể cân nhắc việc tặng các sản phẩm nghệ thuật từ ngà voi cho các viện bảo tàng nhưng nghiêm cấm các hành vi buôn bán thương mại các sản phẩm từ voi và động vật hoang dã khác.

Nguồn: Thiennhien.Net