Cuối cùng thì tôi cũng tới được hồ Lăk, nằm ở huyện Lăk, Dăk Lăk sau khi đọc không biết bao nhiêu bài báo, sách vở nói về cái hồ trên cao nguyên rộng đến 550 héc ta, được xem là hồ thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, nơi phong cảnh đẹp như tranh vẽ.
Đúng như những gì báo chí đã viết, nó đẹp thật, ngoài sức tưởng tượng của tôi; nhưng tôi lại hơi lo lắng, không biết mai này nó có còn không khi con người đang “giết” dần hồ nước này.
Theo lời anh bạn cùng đi với tôi thì hơn 20 năm trước, khi còn học cấp 3 ở Buôn Ma Thuột, anh thường cùng bạn bè đi “chơi” hồ Lăk vào những dịp nghỉ lễ. Anh về sống ở Sài Gòn từ lâu, nay mới có dịp trở lại thăm hồ Lăk. Anh bảo, phong cảnh đã khác xưa nhiều quá. Ngày ấy, con đường nhựa chạy từ quốc lộ 27 vào nhà nghỉ của vua Bảo Đại còn thưa thớt dân cư, nay thì trên con đường đó nhà cửa chen chúc nhau.
Tôi cùng anh bạn thả bộ từ đầu đường nhựa, chỗ trụ sở huyện ủy huyện Lắk vào tới khu du lịch Lắk khoảng 1 km, ngày xưa, bên cạnh mép đường là hồ, còn nay, nhà dân sống chen giữa đường và hồ kéo dài từ đầu con đường tới khu du lịch, thậm chí sau lưng nhà dân, tức mép hồ, người ta trỉa bắp, trồng lúa, rau lang theo kiểu lấn dần ra xa hơn.
Một người dân khi tôi hỏi, cho biết: thấy mùa khô, nước hồ xuống thấp nên tranh thủ trỉa bắp, trồng lúa, trồng cà sau vườn. Thế nhưng, anh bạn tôi, vốn là một nhà khoa học, cho rằng dù là tận dụng mùa khô nước xuống thấp hay lấn đất hồ để trồng trọt cũng đều nguy hiểm cho sinh thái của hồ, giúp hồ mau cạn nước nhanh hơn, rồi hóa chất, phân bón, rào giậu trong sản xuất nông nghiệp cũng làm “khổ cho hồ”.
Ngay cả trong khu du lịch hồ Lắk, một vùng trũng xuống mà trước đây, theo lời nhiều người là mép nước, nay cũng biến thành vườn rau. Có thể vào mùa mưa, nước dâng lên vườn rau đó sẽ không còn nhưng việc canh tác nông nghiệp không ít thì nhiều cũng gây ô nhiễm hồ nước.
Mà đâu chỉ trồng trọt, nhà dân ở đầu hồ, cạnh đường quốc lộ 27, cũng lấn ra bằng nhiều cách mà chỉ nhìn từ đằng sau lưng nhà sẽ hiểu được khi nhiều ngôi nhà xây dựa vào trụ, móng lấn ra hồ, đúc kiên cố.
Anh bạn tôi kể, hơn 20 năm trước, anh cùng các bạn học trong lớp cứ mỗi lần tới đây đều leo lên khu nhà nghỉ của Bảo Đại, từ đó có thể ngắm được toàn cảnh hồ với cơ man nào là hoa sen, hoa súng, lục bình, trông mát cả mắt, nước thì trong xanh. Còn nay tôi và anh cũng lên tận nơi, nhưng mặt nước hồ một màu đục, gần như chẳng còn sen hay bông súng nào cả. Có lẽ đó là hệ quả xấu từ việc lấn đất hồ xây nhà, sản xuất nông nghiệp chăng?!
Điều nguy hiểm là ngọn núi sừng sững mà đứng ngay ở khu du lịch Lăk nhìn trông rất đẹp, như tô điểm thêm cho nét đẹp như tranh vẽ của hồ mà tôi không biết rõ tên ngọn núi là gì nhưng chắc chắn một điều đó chính là nguồn cung cấp nước cho hồ Lăk.
Nhìn ngọn núi, có chỗ còn mảng xanh, có chỗ như bị “cạo trọc” loang lổ. Anh bạn tôi bảo, nếu rừng bị “cạo” như vậy thì mùa mưa, nước mưa chảy xiết mang đất đá, bùn cát xuống hồ, càng giúp hồ nhanh cạn thêm, càng thêm có đất đai cho canh tác nông nghiệp. Việc canh tác nông nghiệp quay trở lại “giết” dần hồ.
Nếu đúng như những gì ạnh bạn tôi mô tả phong cảnh của hồ hơn 20 năm về trước thì bây giờ, hồ đã khác nhiều lắm, dù vẫn rất đẹp, rất nên thơ, nhưng có vẻ nhỏ hơn trước. Trên đường về, anh bạn tôi chợt thốt lên: “mai này hồ Lăk liệu có còn không?!”.