Đây là nội dung được Tổng cục Du lịch đề xuất tại hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 24/01/2022 nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương trọng điểm du lịch trên toàn quốc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dự và chủ trì hội thảo.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL ngày 05/11/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó tập trung đánh giá thực chất kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; Lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, “rào cản” trong quá trình tổ chức thực hiện và các kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục; Đồng thời xác định các điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn mở lại hoạt động du lịch quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Chương trình thí điểm mở cửa du lịch quốc tế đã đón được trên 8.500 khách
Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2021 trước tác động của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã chuyển đổi theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19”. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ cuối năm 2021 ngành Du lịch đã triển khai lộ trình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc xin” tại 5 địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh, hướng đến khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch, đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh bình thường mới.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh báo cáo Chương trình thí điểm đón khách quốc tế và đề xuất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế
Theo đó, lộ trình Thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế của ngành du lịch được chia làm 03 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021, thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế. Giai đoạn 2, từ tháng 01/2022 mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 07 ngày. Giai đoạn 3 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Kết quả tính đến ngày 23/01/2022, du lịch Việt Nam đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Toàn cảnh hội thảo
Mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế chưa nhiều, tuy nhiên những kết quả quan trọng, tích cực bước đầu đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam. Đó cũng là căn cứ quan trọng để ngành Du lịch đề xuất Chính phủ cho phép chuẩn bị mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, góp phần nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng góp phần phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đề xuất lộ trình sớm mở cửa du lịch quốc tế
Với kết quả đó, Tổng cục Du lịch báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, trình Chính phủ lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế như sau: Từ nay đến 30/4/2022 tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2. Từ 01/5/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Theo đánh giá của các địa phương, doanh nghiệp tham dự hội thảo, việc triển khai Chương trình thí điểm đón khách quốc tế thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về “chiến lược vắc xin” của Đảng, Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là động lực, “liều thuốc tinh thần” khích lệ các địa phương, doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động du lịch sau 2 năm gần như đóng cửa, chủ động kết nối lại thị trường, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để sẵn sàng cùng toàn ngành phục hồi toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Đại diện Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đều đồng tình, nhất trí với báo cáo kết quả thực hiện chương trình thí điểm đón khách quốc tế, đề xuất của Bộ VHTTDL đối với Chính phủ sớm cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế. Đồng thời khẳng định sẽ sớm sửa đổi, điều chỉnh các chính sách thuận lợi, thông thoáng cho việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam. Nhiều ý kiến còn đề xuất Bộ VHTTDL nên trình Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế sớm hơn so với đề xuất từ 01 đến 03 tháng để khách du lịch lên kế hoạch đặt dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp sớm có thời gian chuẩn bị, xây dựng phương án kinh doanh, cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng.
Phát biểu thu hoạch hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở nhiều góc độ khác nhau để lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm phục hồi và phát triển du lịch. Hôm nay Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo toàn quốc để thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế với sự tham gia và góp ý của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu thu hoạch hội thảo
Qua các ý kiến đóng góp đó, Bộ trưởng khẳng định: Tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam là rất lớn, đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá như “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á”, “Điểm đến chơi Golf tốt nhất thế giới”... Hai là, thông qua triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã cho ngành Du lịch thêm nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá để sẵn sàng mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế trở lại. Thứ ba, sự sẵn sàng vào cuộc của các địa phương cùng sự mong chờ của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, các hãng hàng không, vận chuyển khách, dịch vụ du lịch trong việc mở cửa là rất lớn. Thứ tư, Đảng và nhà nước đã cho phép mở cửa bầu trời, hỗ trợ thuận lợi cho việc vận chuyển khách quốc tế. Thứ năm, Việt Nam là một trong 06 quốc gia có độ phủ tiêm chủng vắc xin lớn nhất thế giới, đảm bảo an toàn cho người dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19 khi mở cửa. Cùng với đó là các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội đều ủng hộ cho việc mở cửa nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành được ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành Du lịch vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc thực hiện mở cửa du lịch quốc tế như khả năng phòng chống dịch COVID-19 trên diện rộng. Công tác triển khai phòng chống dịch trên toàn quốc chưa thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, khách du lịch trong quá trình triển khai thực hiện tour, tuyến. Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đuối sức cần có thời gian để phục hồi, kết nối dịch vụ và bổ sung, đào tạo nhân lực...
Vì vậy thông qua hội thảo này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có một cái nhìn tổng thể hơn để tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định thời điểm cho phép mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế. Trong khi chờ Chính phủ cho phép, ngành du lịch vẫn tiếp tục mở cửa đón khách quốc tế theo lộ trình từ nay đến 30/4. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành các chính sách về phòng chống dịch, visa, giao thông... theo hướng thuận lợi nhất đảm bảo cho việc mở cửa du lịch quốc tế được triển khai dễ dàng, sớm đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
Trung tâm Thông tin du lịch