Lào Cai: Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại

Cập nhật: 11/02/2022
Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành năm 2014 đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi trong xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Bộ Chính trị đã tổ chức đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết này vào năm 2020.

Kết luận chỉ rõ, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó “việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác”.

Gian hàng văn hóa, ẩm thực dân tộc Thái được trưng bày, giới thiệu tại Gala Chào năm mới 2021.

Đây cũng là lý do khiến vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam một lần nữa được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo Chính trị trình tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Đặc biệt, sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã và đang khẩn trương xác định những nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề trên, đồng thời hướng đến xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới một cách hoàn chỉnh, đồng bộ.

Tại Lào Cai, những năm gần đây, việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Trong đó, việc giáo dục lối sống, hình thành nhân cách đẹp cho thế hệ trẻ được thực hiện một cách sâu rộng, xuyên suốt từ gia đình đến nhà trường, công sở. Nhờ đó, đã tạo nên một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, yêu văn hóa Việt, tự hào con người Việt và tràn đầy khát vọng vươn lên. Có thể kể đến hàng trăm học sinh đoạt giải học sinh giỏi các cấp mỗi năm; nhiều em đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau; không ít em giành được học bổng tại các trường đại học uy tín, danh giá trên thế giới. Góp phần vào thành công ấy, ngoài vai trò không thể thiếu của đội ngũ làm công tác văn hóa, tuyên giáo, phải kể đến vai trò của những người làm công tác giáo dục, đào tạo.

Tuy nhiên, để gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, xây dựng được những giá trị cốt lõi và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, vẫn cần hơn nữa sự phối hợp giữa các ban, ngành và toàn xã hội để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và phát huy những kết quả đã đạt được.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và quan điểm “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh”, Lào Cai xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trước mắt. Đó là: Tập trung quán triệt tinh thần chỉ đạo của Hội nghị văn hóa toàn quốc sâu rộng tới cán bộ, đảng viên; từng bước xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện, có nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại gắn với hội nhập, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa, mang đậm nét đặc trưng của con người Lào Cai: “Đoàn kết - yêu nước - kỷ cương - văn minh - hiếu khách”; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng con người, nhất là thế hệ trẻ, phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật... Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc, hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; coi trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy nhà nước gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiều nét đẹp văn hóa các dân tộc được giới thiệu, quảng bá tại Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai”.

Theo đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bên cạnh việc tập trung thực hiện những giải pháp cụ thể trước mắt, tỉnh cũng chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp lâu dài, trong đó chú trọng triển khai và thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về văn hóa và con người Lào Cai, xây dựng con người Lào Cai phát triển toàn diện, có nếp sống văn minh, hiện đại gắn với hội nhập, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa, mang đậm nét đặc trưng của con người Lào Cai; nâng cao thể lực, tầm vóc con người Lào Cai, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Đặt ra các mốc thời gian và chỉ số cụ thể để phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch, như phấn đấu số người tham gia luyện thể dục - thể thao thường xuyên đến năm 2025 đạt trên 37,5% và năm 2030 đạt trên 40% dân số toàn tỉnh; số gia đình luyện tập thể dục - thể thao đến năm 2025 đạt trên 23% và năm 2030 đạt trên 30% số hộ trong toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 88%…

“Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và các cấp, ngành, cùng sự chung tay của toàn xã hội, Lào Cai sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Dương Đức Huy khẳng định.

Nhân lên những giá trị tốt đẹp của con người Lào Cai

(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Thắng)

Xuyên suốt tiến trình phát triển của tỉnh, con người Lào Cai luôn duy trì những tập quán, phong tục tốt đẹp, bám đất, bám rừng bảo vệ biên giới và gìn giữ sự đoàn kết trong cộng đồng. Đó là nền tảng để giữ cho Lào Cai luôn yên bình và có những bước đi chắc chắn, hòa chung với sự phát triển của đất nước. Lào Cai đã xây dựng tiêu chí con người Lào Cai với hệ giá trị cốt lõi, đó là phương châm để Đảng bộ và chính quyền quan tâm hơn, không những chỉ là xây dựng con người, mà còn đầu tư cho con người, bởi con người luôn luôn là cái gốc, nền tảng của sự phát triển. Đối với ngành văn hóa, đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng bằng mọi giá phải hiện thực hóa mục tiêu mà tỉnh đặt ra, thông qua thế mạnh của văn hóa như ngôn ngữ, nghệ thuật, hình ảnh, hội họa, văn học, nghệ thuật… để truyền tải đến người dân.

Vấn đề đặt ra, khi kinh tế thị trường dẫn đến các mặt trái, cần dự báo, có giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để nhân lên những điều tốt đẹp, như sự đoàn kết, tinh thần yêu nước, dũng cảm, kỷ cương của người Lào Cai. Cùng với đó, quan tâm đầu tư các sản phẩm văn hóa, thiết chế văn hóa, để người dân có điều kiện tham gia hoạt động văn hóa. Với những giải pháp cụ thể, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Lào Cai trong thời gian tới sẽ có chuyển biến và đạt nhiều kết quả.

Thanh Nam - Hoàng Thương

Nguồn: Báo Lào Cai