Du lịch Cần Thơ đang có những tín hiệu phục hồi khá tốt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Với hàng ngàn lượt khách đổ về các điểm tham quan, hơn cả kỳ vọng, đã mở ra cho ngành Du lịch Cần Thơ một bước chuyển tích cực để đẩy nhanh phục hồi và phát triển.
Những tín hiệu tốt
Du khách trải nghiệm chèo ghe tại khu du lịch sinh thái vườn trái cây Phi Yến.
Du lịch Cần Thơ dịp Tết 2022 đón hơn 178.000 lượt khách tham quan, tăng 10,3% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán năm 2021; các cơ sở lưu trú phục vụ 24.840 lượt khách (nội địa), tăng 15,2%; tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 40,6 tỉ đồng, tăng 19,5 %. Điều này cho thấy tín hiệu du lịch Cần Thơ phục hồi. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết: “Bình quân mỗi ngày có hơn ngàn lượt khách đến tham quan, cao điểm nhất là từ mùng 2 Tết trở đi. Chúng tôi rất bất ngờ vì tháng trước mỗi ngày chỉ vài trăm lượt khách, nay lượng khách tăng vượt bậc. Du lịch Cần Thơ đang phục hồi nhanh hơn mong đợi”. Du khách Võ Thị Mỹ Hạnh (Vĩnh Long) nói: “Bây giờ mọi người đã tiêm vaccine, tâm lý cũng đã thoải mái hơn nên gia đình tôi cũng không ngại đi đến các điểm tham quan. Lâu rồi mới thấy lại không khí náo nhiệt như bây giờ”. Trong khi đó, du khách Trần Văn Long (Hậu Giang) cho biết: “Qua mấy đợt dịch bệnh, tâm lý mình cũng rất căng thẳng, nay tình hình ổn thì thoải mái hơn. Đến các điểm vườn, khu sinh thái có không gian mát mẻ, thoáng đãng nên cũng không đáng ngại”. Ông Ngô Trọng Phủ, chủ khu du lịch sinh thái vườn trái cây Phi Yến, cho biết: “Khu du lịch chỉ mới đi vào hoạt động hơn tháng nhưng cũng có nhiều khách biết đến. Với mục tiêu là hướng đến sinh thái nên chúng tôi giữ nguyên vườn tược, không gian xanh tự nhiên”. Phi Yến có diện tích 1,7ha, chủ yếu là vườn trái cây các loại: mít, xoài, quýt, cam, ổi, bòn bon, dâu, bưởi… Du khách chèo ghe lần theo những con mương nhỏ giữa các liếp vườn và hái trái cây.
Du khách Nguyễn Thị Mỹ Linh (An Giang) cho biết: “Cần Thơ có nhiều điểm mình chưa biết nên nhân dịp này cũng ghé tham quan. Ở đây có mấy điểm check-in rất đẹp, chúng tôi rất là thích vì có nhiều ảnh đẹp”. Có thể nói, tại Cần Thơ những năm gần đây có nhiều điểm đến phù hợp với tâm lý thích chụp ảnh của du khách. Nhiều đơn vị đã nắm bắt tâm lý này nên đã có không ít sự đầu tư vào cảnh quan, từ những điểm quen thuộc như: Căn nhà màu tím, Làng du lịch sinh thái Ông Đề đến các điểm mới như: Tam giác mạch farm, khu du lịch Thiên đường hoa… Không chỉ các điểm đến đang làm mới lại sản phẩm mà ở các cơ sở lưu trú cũng có sự điều chỉnh phù hợp. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Victoria Cần Thơ, chia sẻ: “Ngày trước chúng tôi tập trung khách quốc tế mà quên đi khách nội tỉnh hay các khu vực lân cận. Tuy nhiên qua dịch COVID-19, chúng tôi nhận ra tiềm năng này và có sự điều chỉnh về sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn”. Theo đó, Victoria Cần Thơ đã có Victoria Garden Cafe hay các gói nghỉ dưỡng ngắn ngày (daycation) để hướng đến khách địa phương, nhóm khách gia đình… Khai thác theo hướng này, lượng khách đến Victoria Cần Thơ khá ổn định và mang về cho đơn vị từ 70-80% doanh thu.
Ở góc độ lữ hành, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ chuẩn bị cho quá trình phục hồi du lịch khá tốt, khi có nhiều điểm đến, sản phẩm, dịch vụ mới. Điều đáng mừng là đã có nhiều khách tham quan và đó là tín hiệu tốt. Riêng với các đơn vị lữ hành, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị trước về nhiều mặt khi đón đầu du lịch trở lại. Chúng tôi đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ để có thể khơi dậy nhu cầu đi du lịch của du khách trên cơ sở vẫn đảm bảo an toàn. Theo đó, các sản phẩm ngắn ngày, nhiều trải nghiệm, nhất là trải nghiệm sâu về văn hóa, gần gũi thiên nhiên được chú trọng giới thiệu nhiều hơn”.
Du khách chụp ảnh ở phim trường Làng du lịch sinh thái Ông Đề.
Định hướng phục hồi và phát triển
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho biết: “Hiện nay, các hoạt động du lịch gần như đã trở lại. Trước mắt chúng ta tập trung cho thị trường nội địa. Để phục hồi du lịch, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung một số vấn đề sau: tiếp tục gỡ khó cho các doanh nghiệp, lực lượng lao động trong ngành Du lịch. Kế đến là phải tập trung sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu của du khách bởi hiện nay xu hướng du lịch đã thay đổi, người ta thường chọn du lịch gần xanh, gần gũi thiên nhiên, đi du lịch ngắn ngày theo nhóm nhỏ hay sử dụng du lịch một “chạm”. Điều quan trọng nữa là các điểm đến phải có giải pháp an toàn và xử lý rủi ro cho du khách bởi vì tâm lý du khách rất quan trọng. Phải làm sao cho khách an tâm thì mới khơi dậy được nhu cầu muốn đi du lịch. Mặt khác, chúng ta cũng phải tạo được sự liên kết mạnh giữa các địa phương để cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch. Có liên kết mới tạo được hệ thống sản phẩm, dịch vụ đa dạng, từ đó thu hút du khách về Cần Thơ và ĐBSCL”. Trên cơ sở này, ông Lê Thanh Phong cũng cho biết hiện Hiệp hội đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ chuẩn bị tổ chức hội nghị nối lại hoạt động du lịch nội vùng với chủ đề "Thiết lập hành lang xanh kết nối du lịch các tỉnh ĐBSCL với TP Cần Thơ", dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 này. Mục tiêu là để kết nối và hợp lực tìm giải pháp phục hồi du lịch ĐBSCL, sau đó mới mở rộng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Đông.
Riêng Cần Thơ cũng có định hướng cụ thể phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo đó, các nội dung trọng tâm được xác định: tập trung thị trường nội địa, khai thác thị trường gần. Sau đó tiếp tục đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi đủ điều kiện. Ngành Du lịch thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình sinh thái sông nước, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch cộng đồng; chú trọng các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, các loại hình ẩm thực đặc trưng của thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý điểm đến, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng quy trình quản lý khủng hoảng và rủi ro, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh; chú trọng xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng bền vững. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quan tâm giữ lao động du lịch chuyên nghiệp, bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt và chất lượng giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Song song đó đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, tăng cường chuyển đổi số, đa dạng hóa các phương thức quảng bá, xác định thị trường mục tiêu. Tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương ĐBSCL - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trọng điểm du lịch. Đồng thời, phối hợp các hãng hàng không tăng cường các đường bay nội địa, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chương trình kích cầu, kết nối chuỗi giá trị nhằm thu hút du khách. Ngành Du lịch thành phố tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, có ý tưởng mới, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm du lịch của thành phố.
Du lịch Cần Thơ đang có những tín hiệu tích cực khi nhiều cơ sở đã dần hoạt động trở lại với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Du khách cũng bắt đầu gia tăng về số lượng. Tuy nhiên về lâu dài, du lịch Cần Thơ cũng cần có lộ trình cụ thể với những chương trình kích cầu phù hợp mới có thể bắt nhịp nhanh chóng quá trình phục hồi, chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế.
Bài, ảnh: Ái Lam