Quảng Trị: Nỗ lực chắp cánh cho du lịch Hướng Hóa

Cập nhật: 18/02/2022
Lâu nay, nhắc đến huyện Hướng Hóa là nhắc đến miền đất hứa trong phát triển du lịch. Các danh lam thắng cảnh ở đây đa phần còn nguyên sơ, hùng vỹ. Chính điều này đặc biệt tạo nên sức hút đối với du khách gần xa. Những địa danh mang nét đẹp hoang sơ, hùng vỹ, truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô gắn kết chặt chẽ với các vùng miền, cùng với đó là trăn trở của những người luôn muốn thổi luồng gió mới cho du lịch Hướng Hóa… tất cả cùng chắp cánh để du lịch Hướng Hóa vươn lên tầm cao mới.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa do đồng chí Hoàng Nam, PCT UBND tỉnh dẫn đầu đã đến khảo sát tại thác Tà Puồng (Ảnh: Bích Liên)

Những ngày đầu năm 2021, trong chuyến công tác đến các xã ở phía Bắc của huyện Hướng Hóa để kiểm tra tình hình đời sống bà con nhân dân sau bão lũ, chúng tôi có dịp đi cùng với ông Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đến thăm quan, trải nghiệm tại thác Tà Puồng, con thác được nhiều người dân Vân Kiều, Pa Kô ở đây nhắc đến như một niềm tự hào mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ. Thác Tà Puồng nằm ở thôn Trăng, thuộc xã Hướng Việt, từ đường Hồ Chí Minh đi vào thác Tà Puồng, chúng tôi có dịp đi qua thôn Trăng Tà Puồng với những nếp nhà sàn yên bình của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Từ thôn Trăng Tà Puồng, đi đến thác Tà Puồng, đoàn chúng tôi lại phải qua một cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ vài người ôm không xuể. Và hiện ra trước mắt chúng tôi là ngọn thác có độ cao khoảng trên 20m chảy thẳng từ lưng chừng núi xuống dưới qua những vách núi đá thẳng đứng. Dưới thác Tà Puồng 1 có khá nhiều tảng đá lớn, hình thù kỳ quái và nhẵn để du khách nghỉ ngơi thưởng lãm cảnh đẹp hùng vỹ, vừa được hít thở không khí trong lành, mát mẻ tự nhiên. Một người dẫn đường đi trong đoàn cho chúng tôi biết thêm: Thác Tà Puồng gồm 1 động và 2 thác nước: Động Tà Puồng nằm ở trên cao rộng khoảng 10m và ăn sâu vào lòng núi khoảng 200m, trong động có nhiều thạch nhũ đẹp và nước. Theo nhiều người lớn tuổi sinh sống tại thôn Trăng Tà Puồng, trong chiến tranh, động Tà Puồng không chỉ để cho người dân của 5 thôn trong xã đến trú ẩn, mà bà con các xã vùng lân cận cũng đến trú tạm. Người này cũng cho biết thêm: Cách thác Tà Puồng 1 về hạ lưu khoảng 20 phút đi bộ là thác Tà Puồng 2. Đây cũng là điểm vui chơi yêu thích của du khách khi đắm mình dưới làn nước mát lạnh trong hồ nước rộng khoảng 5.000 m2, chỗ sâu nhất khoảng 10 m từ ngọn thác đổ xuống, nước hồ trong vắt nhìn thấy được cả đáy hồ. Người biết bơi có thể bơi, lặn tại đây…

Du khách thích thú khi đến trải nghiệm tại thác Tà Puồng (Ảnh: Bích Liên)

Làm sao để đưa du lịch huyện Hướng Hóa có những bước chuyển mình xứng tầm với những gì đang có luôn là trăn trở với chính quyền và người dân huyện Hướng Hóa. Trao đổi về tiềm năng phát triển du lịch tại thác Tà Puồng, ông Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho rằng: “Cuối tháng 2 năm 2021, đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có chuyến khảo sát tại thác Tà Puồng và đã có những động thái rất tích cực như: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đầu tư điểm du lịch Tà Puồng; xây dựng quy hoạch; lập dự án để tăng kết nối, làm đường gần nhất và bãi đỗ xe; sửa sang đường vào thác và động nhưng đảm bảo không làm ảnh hưởng cảnh quan hiện trạng và đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tăng cường công tác quảng bá điểm du lịch Tà Puồng. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án ODA báo cáo UBND tỉnh khả năng đầu tư cụ thể để tập trung đầu tư, trong đó có giao thông kết nối đến các điểm du lịch. Giao UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo UBND xã Hướng Việt tăng cường tuyên truyền cho nhân dân không xâm lấn làm ảnh hưởng cảnh quan điểm du lịch Tà Puồng. Chúng tôi cũng đang tích cực quảng bá hình ảnh thác đến với du khách gần xa để họ biết nhiều hơn đến điểm du lịch này… và tin tưởng tương lai không xa, thác Tà Puồng cùng với các điểm du lịch khác sẽ được khai thác hiệu quả.”

Nước hồ trong vắt tại thác Tà Puồng khiến du khách thích thú (Ảnh: Bích Liên)

Qua bao thời gian, thiên nhiên đã kiến tạo nên những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị. Cùng với thác Tà Puồng, cho đến nay, tại huyện miền núi Hướng Hóa có rất nhiều địa danh mang nét đẹp hoang sơ, hùng vỹ. Thêm vào đó là truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô gắn kết chặt chẽ với các vùng miền này. Điều này đã tạo ra tiềm năng du lịch rất lớn cho các vùng miền núi, nhất là tiềm năng du lịch sinh thái, cộng đồng.

Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được biết đến là nơi có nhiều tiềm năng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng như hệ thống nhà sàn truyền thống đủ điều kiện lưu trú; hệ thống thác nước, sông suối đẹp gắn liền với núi rừng hoang sơ; đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều phong phú, đặc sắc… Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, Tổ chức Ủy ban  Y tế Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp với huyện Hướng Hóa và xã Hướng Phùng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) tại đây. Để thực hiện mô hình này, Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã đầu tư trên 650 triệu đồng tập trung cải tạo 5 ngôi nhà sàn, xây mới 1 nhà sàn truyền thống, hệ thống công trình vệ sinh, điện mặt trời, giếng nước, khu vực vườn hoa… Huyện Hướng Hóa hỗ trợ 35 triệu đồng để mua sắm thêm quạt điện, chăn, ga, gối, màn… tại các nhà lưu trú; trang phục truyền thống của người Vân Kiều trưng bày tại nhà truyền thống và hỗ trợ tập huấn kỹ năng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng cho đội ngũ tham gia làm du lịch tại đây.

Nhà lưu trú dành cho du khách khi đến với làng du lịch cộng đồng Chênh Vênh (Ảnh: Bích Liên)

Qua hơn 4 tháng triển khai, đến nay các hạng mục còn lại của mô hình đang gấp rút hoàn thiện để kịp đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Mô hình du lịch cộng đồng Chênh Vênh có nhiều lợi thế như không khí trong lành, nằm cạnh danh thắng thác Chênh Vênh, có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, măng rừng, chanh leo…, đặc biệt là bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Vì thế, mô hình mở ra triển vọng mới về một điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch khi đến Hướng Hóa.

Nhằm chắp cánh cho ngành du lịch huyện Hướng Hóa, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, căn cứ Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU, ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu: Tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 đưa Hướng Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Quảng Trị; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác quảng bá, đồng thời có chính sách hỗ trợ và khuyến khích hợp lý nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương.

Cũng theo ông Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, để ngành du lịch Hướng Hóa được biết đến và đặc biệt, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể  cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về lợi ích tổng hợp do ngành du lịch mang lại cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh; nhất là đối với địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập; khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù, khác biệt của địa phương, trong đó đặc biệt chú ý việc khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương Hướng Hóa. Ông Đặng Trọng Vân cho biết thêm: “Huyện Hướng Hóa hiện nay có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch với  các nhóm sản phẩm du lịch có tiềm năng như: Sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch văn hóa- lịch sử và sản phẩm du lịch cộng đồng- làng nghề, trong số đó, một số địa điểm trong số nhóm sản phẩm du lịch đã được tỉnh khảo sát và huyện cũng đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư. Để du lịch Hướng Hóa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với những tiềm năng sẵn có, huyện đang tăng cường việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn biển chỉ dẫn để du khách gần xa biết đến. Cùng với đó, huyện cũng đề nghị tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư du lịch. Trong phạm vi thuộc thẩm quyền cho phép, huyện cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức cho các nhà đầu tư, sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc để tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương.”

Một góc huyện Hướng Hóa hôm nay (Ảnh: Bích Liên)

Cùng với đó, hiện nay, khi nhắc đến Hướng Hóa, nhiều người còn nhắc đến những cánh đồng trang trại điện gió rộng lớn. Trên sinh điện, dưới sinh kế, sinh thái, đây cũng là sản phẩm du lịch mới níu giữ chân du khách gần xa khi tìm đến mảnh đất Hướng Hóa./.

Tác giả bài viết: Bích Liên

Nguồn: Cổng TTĐT xúc tiến đầu tư, TM & DL tỉnh Quảng Trị