Những ngày mùa đông lạnh giá, theo chân đồng bào vùng cao Tây Bắc đi hái măng rừng, chúng tôi đã có những trải nghiệm về công việc thấm đẫm nhọc nhằn này khi mùa măng xuống núi...
Nghề hái măng rừng là tập quán mưu sinh từ lâu đời của người vùng cao Tây Bắc
Rừng già Tây Bắc bốn mùa tràn ngập hương sắc của hoa ban, hoa mận, hoa đào rừng. Giống măng vầu, măng giang cũng đội đất rừng mà sinh sôi. Người vùng cao Tây Bắc đi “ăn măng” ngay từ đầu tháng Giêng, Hai tết để có được những “ấu măng” ngay khi còn trong lòng đất vừa giòn vừa ngọt.
Mùa hái lộc rừng
Đồng bào dân tộc ở vùng cao Tây Bắc làm bạn với cây măng rừng từ bao đời nay. Mùa nào, núi rừng cũng ban phát cho con người những vựa măng. Bắt đầu sau Tết, tiết trời mùa đông giá lạnh, măng vầu, măng giang trên núi thi nhau nở rộ. Đó là lộc rừng ban cho con người ăn đời ở kiếp với núi rừng, dựa vào núi rừng để sinh sống. Nhờ thế, mùa nào, người vùng cao cũng đeo gùi lên núi hái măng, mong có thêm chút tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Theo đồng bào Tày ở vùng cao Tây Bắc, mỗi khi có tín hiệu của mùa măng về, người vùng cao Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu…lại rủ nhau lên núi hái măng. Vì nếu để quá ngày thì măng mọc vượt mặt đất sẽ già, không ăn được nữa. Những ngày mùa măng rừng nở, gác lại công việc nương rẫy, đồng áng, người dân trong các bản Tày, bản Dao, bản Mông cùng nhau đi “ăn măng” có khi tới hàng tháng trời.
Măng rừng được đồng bào vùng cao bày bán tại chợ phiên
Để đến được nơi hái măng, người ta phải mất tới nửa ngày trời vì măng thường mọc trên núi cao, đi bộ lên dốc núi đã thấm mệt. Vì vậy, mỗi ngày đi hái măng, người ta phải ở lại rừng sâu cả ngày trời, đến khi mặt trời xuống núi mới trở về, khi ấy, măng được mang xuống chợ chiều là vừa.
Anh Cổ Văn Phúc ở xã Vĩnh Yên (Bảo Yên- Lào Cai) chia sẻ: “Nghề tìm măng rừng tưởng dễ nhưng khó khăn lắm. Rừng rậm, núi cao, đi mãi mới tìm được măng. Nguyên thời gian đi lại đã nhiều rồi nên cả ngày phải ở trong rừng”.Đường đi rừng đã khó thì công việc tìm và hái măng còn khó nhọc hơn nhiều.
Nếu không phải là người bản địa thì khó lòng biết cách tìm và đào măng, phải quen thông thổ và có bí quyết hái măng thì mới kiếm được những ngọn măng non. Muốn hái được măng, người ta phải lận vào tận những bụi nứa um tùm để bẻ những đọn măng non đang mọc ra tua tủa dưới gốc hay tìm những chỗ đất nứt trong bụi rậm, nơi đó có những “ấu măng” đang nhô lên. Công việc này khá vất vả vì vừa phải tinh mắt, vừa phải chắc chân khỏe tay, vừa phải mang theo dụng cụ như cuốc, thuổng hay dao.
“Mỗi khi lên núi, phải lận sâu vào bụi rậm để tìm hốc măng khó lắm vì chỗ đó thường thiếu ánh sáng, gai góc, ẩm ướt, muốn có măng thì phải cố lận sâu vào thôi”, anh Hoàng Văn Chung ở Bảo Yên (Lào Cai), một thợ măng chia sẻ.
Nếu đứng dưới chân rừng nhìn lên đồi măng bạt ngàn, có người sẽ nghĩ rằng, măng mọc sẵn trên đất, cứ việc lấy cuốc đào lên. Nhưng công việc hái măng của người vùng cao không hề đơn giản như vậy. Chị Nguyễn Thị Hoa ở Ấm Hạ, Hạ Hoà (Phú Thọ) chia sẻ: “Mỗi khi lận vào bụi rậm, người hái măng phải đối diện với gai góc, muỗi vắt, trơn trượt, thậm chí cả những nguy hiểm từ rắn, ong rừng”.
Công việc hái măng đã rất mệt nhọc nhưng khi măng hái sau việc bóc măng tại chỗ cũng vất vả không kém. Để những ngọn măng tại chỗ đất quang, dùng tay bóc bỏ vỏ rồi đúc những ngọn măng trắng ngần vào gùi, vào tải. Khi bóc măng, lông măng đâm bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát.
Khi mặt trời xuống núi, những thợ măng lũ lượt trở về trung tâm xã, mang theo thành quả của mình sau một ngày lao động vất vả. Tại đây, họ giao măng cho những người vợ đang chờ sẵn để bán cho kịp chợ chiều hoặc bán giao cho thương lái. Vào mùa măng, các thương lái quanh vùng tụ tập dưới chân núi để thu mua măng rừng với số lượng lớn. Nhờ thế, người hái măng đỡ đi sự vất vả khi phải bán lẻ. Cũng có khi măng hái được phải mang ra bán tại chợ phiên vào sáng hôm sau. Muốn cho măng giữ được độ ngon tươi, người hái măng phải mang về, luộc qua một lượt rồi dùng dây xâu thành từng xâu nhỏ để bán cho tiện.
Nghề ăn măng rừng bốn mùa vất vả là thế nhưng người vùng cao Tây Bắc không bỏ nghề, mùa nào thức ấy, họ vẫn miệt mài, cần mẫn leo núi hái măng. Vì với họ, lộc rừng chỉ có mùa, sống gần rừng thì phải dựa vào núi rừng để mưu sinh. Muốn mùa sau măng mọc nhiều thì khi đào măng, họ vẫn phải để dong lại ít nhiều cây non để măng mọc thành rừng. Măng hái về, bán tại chân núi hay chợ phiên, giá không cao bằng bán buôn ngoài phố thị, loại thì được 15 ngàn/kg, loại được 20 ngàn, 30 ngàn…tùy vào khách và độ ngon của măng.
Măng luộc chấm mẻ, món ăn hấp dẫn, ngon miệng
Đậm đà ẩm thực
Mùa măng về, trong không gian ấm áp trên mỗi căn nhà sàn, ẩm thực từ măng rừng lại trở lại trong mỗi bữa ăn của đồng bào. Măng vầu đắng để cả ngọn, luộc nhừ sau đó dùng tay xé thành từng miếng nhỏ, chấm với giấm mẻ chưng cá suối là món ăn quen thuộc trong mỗi bếp ăn của người Tày. Vị đắng của măng vầu hòa với vị chua thanh của mẻ, vị ngọt bùi của cá suối làm thành dư vị đặc trưng chỉ có ở vùng Tây Bắc xa xôi này.
Người vùng cao còn nướng măng trên bếp lửa sau đó thái ra chấm với muối giềng ăn vào thấy dư vị vừa quen lại vừa lạ. Những món ăn được người vùng cao Tây Bắc chế biến từ măng rừng đã trở thành món ngon cho bữa ăn hằng ngày, trở thành ẩm thực cho phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách khi đến những điểm du lịch cộng đồng sẽ khó quên khi thưởng thức món nem măng (mẻ nhửng) của đồng bào Tày, măng chua nấu ếch, nấu thịt vịt, nộm măng, măng chua xào thịt gà của đồng bào Thái…Mỗi món ăn là một dư vị làm phong phú vốn ẩm thực của những bản làng.
Chị Lò Thị Hoa ở Bản Lác (Mai Châu – Hoà Bình) kể rằng: “Mùa nào thức ấy, Tây Bắc xa xôi không mùa nào không có măng rừng. Người dân nơi đây gắn bó với măng rừng như người bạn của mình trong cuộc mưu sinh đầy gian khó”.
Mùa măng rừng về, núi rừng Tây Bắc trào dâng sức sống. Đứng nơi chân núi nhìn về phía xa xa, không gì khác ngoài những đồi măng bạt ngàn xa tít tận chân trời. Nhìn những cô sơn nữ chiều chiều đeo gùi măng rừng xuống núi khiến chúng tôi mường tượng ra một bức tranh cuộc sống thơ mộng, bình yên nơi những xóm núi Tây Bắc../.
Bài, ảnh: Thế Lượng