Hiện nay, UBND TP Quy Nhơn cùng các đơn vị liên quan đang lên kế hoạch triển khai xây dựng công trình Lò đốt rác thải xã Nhơn Châu. Ðây được coi là giải pháp nhằm xử lý triệt để lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên đảo Cù Lao Xanh.
Hiện trên địa bàn xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) có 517 hộ dân sinh sống, mỗi ngày phát sinh khoảng 1 - 2 tấn rác thải. Lâu nay, xã tổ chức cho 100% người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Xã hợp đồng với người dân địa phương, hằng ngày tiến hành thu gom rác sinh hoạt đến địa điểm quy hoạch tạm để đốt và chôn lấp. Tuy nhiên, phương án này chỉ là tạm thời, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường; việc chuyển rác về đất liền để xử lý cũng không khả thi.
Làm tốt việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn sẽ phát huy hiệu quả của lò đốt rác đạt mức cao nhất.
Trong ảnh: ĐVTN Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tham gia thu gom rác thải trên bãi biển Nhơn Châu. Ảnh: Trọng Hiếu
Ông Hồ Nhật Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, chia sẻ: Theo ý kiến của các chuyên gia, với đặc thù về địa hình chủ yếu là đồi núi, nên việc chọn một vị trí để đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh là không thể. Với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh không nhiều và đặc điểm vị trí địa lý, địa hình của xã đảo Nhơn Châu, việc xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt là cần thiết và phù hợp, nhằm giải quyết rác thải sinh hoạt của người dân trên đảo, phục vụ cho phát triển du lịch trong thời gian tới, đảm bảo vệ sinh môi trường của xã, góp phần đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường theo chuẩn xã nông thôn mới nâng cao mà xã đang phấn đấu đạt được.
Cuối năm 2021, UBND TP Quy Nhơn đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Lò đốt rác thải xã Nhơn Châu. Tuy nhiên, việc áp dụng lò đốt rác hiện đại trong xử lý rác thải sinh hoạt là công nghệ chưa được áp dụng tại Bình Định nên thành phố đã gửi hồ sơ đến các ngành chức năng của tỉnh để thẩm tra kỹ trước khi đầu tư.
Do địa hình Nhơn Châu chủ yếu đồi núi và giao thông đi lại khó khăn, rất khó để lựa chọn vị trí xây dựng lò đốt rác đảm bảo theo quy định. UBND xã Nhơn Châu và cùng các cơ quan, ban, ngành của TP Quy Nhơn đã đi khảo sát và chọn vị trí tại khu vực phía Tây núi Vạn Tài. Hiện trạng khu vực là nền đất tự nhiên; khu đất không có các công trình văn hóa, di tích lịch sử có giá trị, không nằm trong khu bảo tồn sinh thái và cách xa khu dân cư khoảng 2 km.
Ông Dương Hiệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: Hiện nay, Nhơn Châu đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và định hướng phát triển mạnh về du lịch, nên xử lý rác thải là một trong những việc cần làm ngay. Theo quy hoạch của TP Quy Nhơn, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được tập trung xử lý tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn). Tuy nhiên, xã đảo Nhơn Châu cách xa đất liền và phải dùng đường biển để vận chuyển rác thải sinh hoạt vào đất liền xử lý nên không có tính khả thi cao. “Hiện chúng tôi đang chờ chủ trương của UBND tỉnh, ngay sau khi nhận được sự đồng ý sẽ khẩn trương triển khai để công trình hoàn thành và đi vào hoạt động từ đầu quý IV/2022”, ông Hòa cho hay.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Các đơn vị đã tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng lò đốt rác tại Nhơn Châu, đảm bảo phù hợp với các quy định. Công nghệ lò đốt cũng được cân nhắc đảm bảo giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, cần sử dụng lò đốt với công nghệ đốt 2 cấp (sơ cấp và thứ cấp) với nhiệt độ buồng đốt thứ cấp trên 9000C và tích hợp hệ thống xử lý khí thải đảm bảo để tránh phát sinh các khí độc hại như dioxin và furan. Tuy nhiên, lượng rác thải hằng ngày khá ít so với công suất của lò, phải vài ngày mới đốt một mẻ, nên để đạt hiệu quả cao nhất cần phải thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn.
Theo khảo sát tại xã Nhơn Châu, việc phân loại rác hiện nay còn một số điểm chưa phù hợp, đơn cử như kích thước các thùng rác bằng nhau và nhỏ so với nhu cầu, người dân phải dùng loại thùng khác để chứa rác. Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, cần khảo sát, đánh giá và áp dụng phương pháp phân loại rác phù hợp với thực tế hơn; khuyến khích người dân tái sử dụng rác thải để giảm thiểu lượng rác phát sinh cần xử lý.
Hoàng Quân