Triển lãm trực tuyến “Ký ức chợ xưa” khai mạc sáng 25/4 trên website, fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước kể những câu chuyện về chợ Hà Nội xưa.
Gánh hàng rong. (Ảnh: Viện Thông tin Khoa học xã hội)
Triển lãm gồm 2 phần: “Chuyện quy hoạch” và “Những ký ức xưa”, với sự kết hợp giữa tài liệu, tư liệu, hình ảnh với các hiệu ứng âm thanh ánh sáng.
Một phần không thể thiếu của triển lãm là những gánh hàng rong. Những gánh hàng rong cùng tiếng rao hàng từ lâu đã trở thành nét văn hóa của Hà Nội. Những gánh hàng rong không ai biết có từ bao giờ, chỉ biết nó gắn liền với sự phát triển, thăng trầm của Hà Nội cho đến tận hôm nay. Qua những biến thiên của thời gian, Hà Nội đã khác xưa và gánh hàng rong cũng vậy.
Thăng Long - Hà Nội xưa còn có tên gọi là “Kẻ Chợ” vì ở đây dân cư đông đúc, chỗ nào cũng thấy kẻ mua, người bán. Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò... Ngoài những chợ lớn, Thăng Long - Hà Nội còn vô số những chợ nhỏ, chợ lưu động, không tên mà ở đó những người bán hàng rong, những người tự sản xuất mang sản phẩm của mình ra bán, chẳng cần hàng quán và họp ở tất cả những nơi nào đông người qua lại.
Hình ảnh và thông tin về chợ Đồng Xuân (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I).
Chợ Hà Nội giống như lời mô tả của các nhà buôn, nhà báo, bác sĩ, du khách nước ngoài đến Hà Nội từ cuối thế kỷ 17, 18, 19: “Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ngoài trời... Cứ 6 ngày lại có một phiên chợ Hà Nội, lái buôn và thợ thủ công đủ loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới... Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải, trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người”- Paul Bourde (thông tín viên “Le Temps” (Thời báo) ở Bắc Kỳ năm 1883).
Nghị định số 4490 ngày 27/11/1906 của Đốc lý Hà Nội quy định sử dụng vỉa hè trên các phố để bán hàng (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Baron, một du khách người Anh đến Thăng Long vào thế kỷ 17 mô tả: “Thăng Long có nhiều chợ nhưng vẫn có người bán hàng rong, họ bán các mặt hàng do chính họ làm ra. Vì không phải dân Thăng Long nên họ không thể mở cửa hàng ở các phường nghề”. Người bán hàng rong chủ yếu là người nông dân, thợ thủ công ở các làng mạc chung quanh đến Thăng Long để bán những sản phẩm do chính mình làm ra. Họ là người nghèo, không có tiền đóng các loại thuế phí chợ nên họ đành bán hàng ở bất kể đâu có người qua lại.
Cảnh bán hàng rong xưa đã được Labarthe (tác giả của cuốn “Hanoi, capitale du Tonkin”-Hà Nội, thủ phủ xứ Bắc Kỳ) mô tả một cách chân thực: “Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ và trong tiếng trống, người ta thấy giãn ra một lối đi. Ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn... cùng với hàng hóa biến mất như có phép lạ...Viên quan đi qua, chợ trở lại bình thường...”.
Cảnh chợ Hà Nội cũng được tái hiện lại qua các báo thời kỳ trước năm 1945, thí dụ như báo “Trung Bắc Tân Văn” năm 1935.
Triển lãm cũng cung cấp những nghị định, quy định của chính quyền thời Pháp thuộc về quản lý thuế chợ, quản lý vỉa hè….
Triển lãm trực tuyến diễn ra tại địa chỉ http://archives.org.vn và https://facebook.com/luutruquocgia1.
Linh Khánh