Hiệu quả mô hình thu gom rác thải trong chăn nuôi ở vùng cao Bắc Hà

Cập nhật: 26/04/2022
Mô hình “thu gom rác thải trong chăn nuôi” của chi hội phụ nữ thôn Sán Sả Hồ, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với 15 chị em hội viên tham gia. Đây là mô hình đầu tiên triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Bắc Hà nhằm tạo thu nhập và nâng cao vai trò của chị em trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thiên nhiên xanh - sạch - đẹp.

Thải Giàng Phố là xã vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà sinh sống, trong đó người Mông chiếm trên 95% dân số. Hiện nay, nghề nông là nghề chính của đồng bào, trong đó trồng cây lương thực ngô, lúa và chăn nuôi gia súc, chủ yếu chăn nuôi trâu, bò. Theo thống kê, toàn xã có 431 hộ chăn nuôi gia súc, với tổng số đàn gia súc 1.714 con, trong đó chủ yếu là trâu, bò, ngựa. Bình quân mỗi ngày mỗi một con thải ra khoảng 7-10kg phân, để xử lý khối lượng chất thải này, trước đây các hộ chăn nuôi thường đào hố trong vườn hoặc ngoài đồng ruộng để chứa. Do các hố chứa chất thải chăn nuôi không có mái che và nắp đậy nên khi mưa to, nước thải tràn ra khiến ô nhiễm môi trường. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn nhất là chất thải trong chăn nuôi còn hạn chế. Không ít hộ gia đình còn để phân trâu, bò... xung quanh nhà không thu gom, quét dọn sạch sẽ gây mất vệ sinh.

Mô hình “ Thu gom chất thải trong chăn nuôi” góp sức giúp Thải Giàng Phố hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trong khi đó, mỗi năm huyện Bắc Hà nói chung và xã Thải Giàng Phố thu hút đông đảo khách du lịch và hầu hết du khách đều đến các bản làng trải nghiệm, khám phá tìm hiểu đời sống, văn hoá dân tộc… Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững..., từ đầu năm 2021 Hội LHPN xã Thải Giàng Phố đã quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm của hội viên, phụ nữ và người dân bằng cách thành lập mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng, tham gia. Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, Hội đã phối hợp với cán bộ khuyến nông đến từng hộ hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật, các bước, quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Tháng 10 năm 2021, mô hình "Thu gom rác thải trong chăn nuôi" tại thôn Sán Sả Hồ, xã Thải Giàng phố( Bắc Hà- Lào Cai) chính thức ra đời với 15 hội viên tham gia hướng tới mục tiêu giúp cho chị em phụ nữ nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mô hình nhà sạch, vườn đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các thành viên trong mô hình hàng ngày thực hiện thu gom chất thải trong chăn nuôi của gia đình đem phơi khô và để tập trung vào một chỗ, phân phơi khô đem phục vụ trong trồng trọt, số còn lại đem bán tăng thu nhập cho gia đình.

Là một trong những hội viên đâu tiên của mô hình "Thu gom rác thải trong chăn nuôi" chị Giàng Thị Sua thôn Sán Sả Hồ, xã Thải Giàng Phố chia sẻ, gia đình tôi có 5 con trâu, trước đây chưa có mô hình thu gom rác thải, một ngày số trâu nhà tôi thải ra rất nhiều phân, nhà tôi cũng không biết xử lý thế nào chỉ biết đào hố chứa. Càng ngày số phân càng nhiều gây nên ô nhiễm môi trường vì mùi khó chịu từ nó. Sau khi tham gia mô hình gia đình tôi đã được hướng dẫn thu gom xử lý. Không những môi trường sống của gia đình được đảm bảo mà còn có thêm thu nhập đồng ra đồng vào.

Mô hình “ Thu gom chất thải trong chăn nuôi” của chị em hội viên phụ nữ dân tộc Mông xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà đang là mô hình bảo vệ môi trường tạo thu nhập cần được nhân rộng tại Lào Cai.

Chị Thào Thị Bông, Chi hội Trưởng mô hình "Thu gom rác thải trong chăn nuôi" cho biết: Người dân thôn Sán Sả Hồ làm nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu. Toàn thôn có 43 hộ với số lượng trâu bò hơn 200 con. Khi chưa có mô hình khắp đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng có chất thải của phân trâu, bò vương vãi trên đường, nếu cứ như vậy thì việc hoàn thành tiêu chí môi trường sẽ là một bài toán khó với thôn Sán Sả Hồ nói riêng và xã Thải Giàng phố nói chung. Trăn trở về điều này chùng tôi đã vận động bà con tham gia vào mô hình "Thu gom rác thải trong chăn nuôi" vừa bảo vệ môi trường vừa tạo ra thu nhập. Mô hình của chúng tôi tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2021 và xuất phát điểm chỉ có 15 hội viên thì sau một năm số hội viên đã tăng lên thành 40 người, và cho thu nhập mỗi tháng người ít thì vài trăm, người nhiều cũng được 3,4 triệu. Quan trọng nhất trong cuộc sống là môi trường được bảo vệ, đường làng ngõ xòm ngày càng xanh – sạch – đẹp.

Mô hình “ Thu gom chất thải trong chăn nuôi” của chị em hội viên phụ nữ dân tộc Mông xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà( Lào Cai) vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi, góp sức hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phát triển mô hình mới du lịch nông nghiệp đang được khuyến khích, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, cùng với nền văn hoá dân tộc Mông đậm đà bản sắc nguyên sơ, độc đáo, hấp dẫn, tạo ấn tượng sâu đậm với khách du lịch khi đến với miền cao nguyên trắng Bắc Hà.

Bích Hợp

Nguồn: Báo Tài Nguyên và môi trường