Du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái được xác định là thế mạnh của ngành du lịch ở tỉnh miền núi Yên Bái, dựa trên cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 30 dân tộc anh em.
Đến huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái dịp này, ngoài đắm say với những triền ruộng bậc thang long lanh như gương trời vào mùa nước đổ, du khách còn được nghỉ ngơi, thư giãn trên những khu nghỉ dưỡng xanh mát, trong lành và thưởng thức những món ăn đặc sắc.
Đặc biệt là được trải nghiệm cuộc sống thực tế của đồng bào Mông nơi đây với việc xuống ruộng bậc thang cày cấy, đi bắt cá suối, lên nương trồng trọt, dạy tiếng Anh cho trẻ em dân bản...
Đến vùng cao Mù Cang Chải du khách được trải nghiệm canh tác trên ruộng bậc thang mùa nước đổ
Anh Nguyễn Khánh Nam, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Mình đến đây lần đầu tiên và mình không nghĩ nó đẹp và thú vị vậy".
Bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho hay, để du khách có thể trải nghiệm sâu hơn về địa phương, ngoài tổ chức Festival dù lượn bay trên ruộng bậc thang mỗi năm hai lần, huyện cũng đã và đang giới thiệu, quảng bá về Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo; Di tích bãi đá cổ với nhiều hình khắc bí ẩn; Đỉnh Lùng Cúng bốn mùa mây bay ở độ cao hơn 2.900 mét...
Cùng với đó là duy trì và tổ chức nhiều hoạt động truyền thống lâu đời như: Hội chọi dê; Hội thi múa khăn, múa khèn; Thi dã bánh dày…
"Phát huy được các nét văn hóa truyền thống gắn với ruộng bậc thang, từ đây bà con càng giữ gìn hơn và quảng bá ra tới du khách trong và ngoài nước để được đón nhiều du khách đến với Mù Cang Chải hơn", bà Lương Thị Xuyến nói thêm.
Là một trong những gia đình đầu tiên ở thị xã Nghĩa Lộ làm Homestay, gia đình chị Lường Thị Hồng Chung ở Bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ hiện mỗi năm đều đón khoảng 3.000 nghìn lượt khách.
Cũng như các hộ khác ở bản làm du lịch, ngoài đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đúng quy chuẩn, gia đình chị Chung cũng rất chú ý tới việc mang đến cho du khách những trải nghiệm đúng nghĩa của một người dân ở bản. Chị không ngại đưa du khách đi từng địa điểm, giới thiệu từng nét lịch sử, văn hóa của địa phương; tổ chức các đêm xòe, biểu diễn dân ca để du khách cùng hòa chung cuộc sống của người dân bản địa.
"Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn giữ được mô hình của mình cũng như tiếp tục thực hiện việc giữ gìn và lưu truyền được bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình", chị Lường Thị Hồng Chung nói.
Du khách trải nghiệm hồ Thác Bà
Yên Bái là tỉnh có hồ thủy điện đầu tiên ở miền Bắc - đó là Hồ Thác Bà, với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ, được ví như “Hạ Long trên núi”. Trước đây, mặt hồ trong xanh, yên ả và không khí mát lành ở Hồ Thác Bà chưa được nhiều du khách biết đến.
Tuy nhiên, hiện nay, sự xuất hiện của các khu nghỉ dưỡng cao cấp, cùng các dịch vụ đi kèm, du khách đã có thể dễ dàng đến tham quan, trải nghiệm các điểm hấp dẫn như: động Thủy Tiên, đập nhà máy thủy điện, đền Thác Ông, các làng quê yên bình đẹp như tranh vẽ ven hồ… Chính vì vậy, mỗi dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, nơi đây đều kín khách đặt phòng.
Chị Nguyễn Hoàng Oanh, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: "Đến đây em thấy cảm giác khá thoải mái như đi Hạ Long. Những ngày nghỉ có thể đi ra đây sẽ giúp thư giãn đầu óc rất nhiều".
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Để đón chào du khách đến trải nghiệm đất và người Yên Bái trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5 năm nay, địa phương có kế hoạch tổ chức hàng loạt các hoạt động đặc sắc như: Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ"; Du lịch cộng đồng “Cội nguồn Ruby”; khai trương các tuyến phố đi bộ; tổ chức các đêm nghệ thuật đặc sắc…
"Tỉnh Yên Bái tập trung hướng dẫn, khuyến khích, tạo mọi điều kiện theo quy định để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có. Đồng thời, tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, riêng có của tỉnh Yên Bái, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", bà Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết.
Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái phấn đấu đón khoảng 1,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 250.000 lượt khách quốc tế. Địa phương miền núi này hiện cũng đang nỗ lực để đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc./.
Đinh Tuấn