Xã Thung Nai (Hoà Bình): Du lịch tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 13/05/2022
Với đặc điểm hầu hết các xóm đều bám vùng hồ Hoà Bình, xã Thung Nai (Cao Phong) tích cực tận dụng lợi thế về du lịch nhằm tạo bước chuyển trong phát triển KT-XH.

Hoạt động kinh doanh vận tải khách tại bến cảng Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) nhộn nhịp mùa lễ hội 2022. 

Đồng chí Bùi Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai chia sẻ: Là vùng đặc biệt khó khăn, địa phương đang nỗ lực thúc đẩy công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Mục tiêu phát triển ngành nghề du lịch nhằm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, đồng thời cải thiện nguồn thu nhập. Đáng mừng là hiện nay, điều kiện hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch được quan tâm, đầu tư. Nhất là tuyến đường tỉnh 435 đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng. Bến cảng Thung Nai - nơi khởi đầu khám phá các điểm đến trên khu du lịch hồ Hoà Bình có cơ sở vật chất, bến bãi đáp ứng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho du khách.

"Trước đây, khi du lịch chưa phát triển, thực trạng giao thương, lưu thông hàng hoá ở vùng hồ nơi đây hạn chế”. Đó là bộc bạch của anh Hà Minh Tâm, xóm Mới, một trong những hộ có số lồng cá nuôi nhiều nhất ở địa phương. Nhờ mở mang, phát triển du lịch, sản phẩm cá sạch hồ sông Đà được thị trường biết đến nhiều hơn. Giá cả, thị trường tiêu thụ theo đó cũng ổn định hơn trước. Người dân các xóm coi du lịch là động lực giảm nghèo, gắn với phát huy nguồn lợi thuỷ sản vùng hồ. Đến nay, diện tích mặt hồ và ao nuôi cá lồng khoảng 4 ha, có 71 hộ nuôi cá lồng ở các xóm Mới, Nai, Tiện với tổng số 221 lồng. Ngoài ra có 3 doanh nghiệp hoạt động nuôi trồng thủy sản với 120 lồng cá. Hơn 70 hộ đánh bắt tôm, cá tự nhiên. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng hàng năm khoảng trên 50 tấn. 

Lợi thế "cận giang”, có cảng du lịch, điểm đến đền Chúa Thác Bờ cũng được không ít hộ dân khai khác  phát triển dịch vụ, buôn bán. Hiện có 53 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, 11 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vào mùa lễ hội, lượng khách du lịch đến thăm quan, chiêm bái tại đền Chúa Thác Bờ rất đông. Đây cũng là thời điểm hoạt động kinh doanh, buôn bán trên địa bàn sôi động. Sản vật vùng hồ do bà con địa phương làm ra, như cá nướng, tôm, tép khô, cam, chuối, măng, các loại rau rừng… có sức tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách của xã ngày càng phát triển, nhất là vận tải đường thuỷ. Theo thống kê có 75 hộ kinh doanh dịch vụ tàu thuyền với 89 tàu, thuyền, 14 hộ kinh doanh dịch vụ ô tô khách. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, các tàu thuyền chở khách thăm quan được hộ gia đình đầu tư nâng cấp, trang bị đủ số phao, áo phao cho du khách.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, ngoài các điểm đến đền Chúa Thác Bờ, điểm du lịch cộng đồng xóm Tiện, tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của địa phương đang được thu hút. Hiện có 5 đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch 51 ha tại 2 xóm Mới, Nai là khu du lịch sinh thái. Trong tương lai khi thu hút dự án đầu tư về du lịch sẽ tạo đổi thay lớn về diện mạo KT-XH. Năm 2022, xã phấn đấu nâng tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm 33,5%. Công tác quản lý, phát triển du lịch, dịch vụ được tăng cường. Địa phương cũng tạo môi trường thuận lợi cho dịch vụ vận tải, nhất là tuyến vận tải khu vực lòng hồ nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Bùi Minh

Nguồn: Báo Hoà Bình - baohoabinh.com.vn - Đăng ngày 13/05/2022