Xã Cẩm Hà (TP. Hội An) như một “ốc đảo” thu mình giữa bốn bề phố thị bao bọc. Ngoài làng rau Trà Quế đã dần định hình được thương hiệu du lịch nông nghiệp, Cẩm Hà vẫn còn nhiều tiềm năng chờ được đánh thức.
Làng rau Trà Quế cần tránh bê tông hóa để giữ nét đặc sắc của không gian làng nghề trăm năm tuổi. Ảnh: P.Q
Vùng quê đặc sắc
Nhắc đến Cẩm Hà, nhiều người nghĩ ngay về làng rau Trà Quế. Thực tế, Cẩm Hà sở hữu nhiều giá trị thiên nhiên - văn hóa để kiến tạo một vùng đất hòa quyện hài hòa giữa “phố” và “làng”.
Vùng ngoại ô của đô thị di sản này sở hữu hệ sinh thái sông, đầm, cánh đồng lúa đa dạng với diện tích tương đối lớn. Cẩm Hà có đủ điều kiện, phân vùng hợp lý để vừa phát triển kinh tế du lịch dịch vụ trên nền tảng nông nghiệp, sinh thái, văn hóa vừa phát triển theo hướng đô thị văn minh.
Ngoài nghề trồng rau Trà Quế vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì nơi đây còn chứa đựng nhiều tri thức sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: trồng hoa, trồng quật cảnh, khai thác thủy sản, làm đầu lân…
Thời gian qua, chính quyền TP.Hội An cùng các chủ thể liên quan đã dần tạo ra mạng lưới điểm đến du lịch học tập, ban đầu từ “điểm lõi” Cẩm Thanh và đến nay trên “bản đồ” du lịch học tập này đã lan tỏa ra nhiều điểm đến của Cẩm Hà như làng quật, làng rau Trà Quế…
Liên quan đến phát triển du lịch tại địa phương, với đề án “Xây dựng xã Cẩm Hà - xã nông thôn mới kiểu mẫu phát triển năng động, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được HĐND TP.Hội An thông qua đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Diện tích lúa sẽ được bảo vệ ổn định, làng rau Trà Quế được xây dựng trở thành Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Quảng Nam với đa dạng sản phẩm dịch vụ. Ngoài ra, phát triển hệ thống bến tàu thuyền sông Cổ Cò trong tương lai phục vụ giao thông thủy cho tuyến du lịch sông Cổ Cò.
Những trăn trở, chờ đợi
Du lịch chạm ngõ, “cơn lốc” đô thị hóa sau bao năm cũng dần len lỏi đến vùng quê Cẩm Hà. Dù vẫn duy trì ổn định diện tích sản xuất ở làng rau Trà Quế nhưng có thể cảm nhận rõ rệt thực trạng bê tông hóa ngày càng bủa vây làng nghề.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, đối với dịch vụ lưu trú tại làng rau Trà Quế thời gian đến chỉ khuyến khích phát triển hình thức homestay, không phát triển hình thức villa (biệt thự du lịch).
Rộng ra toàn địa bàn xã, cũng sẽ không phát triển hình thức khách sạn. Việc phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp ven sông, khu phức hợp đô thị - dịch vụ phải đảm bảo yêu cầu về kiến trúc cảnh quan làng quê, sông nước…
Du lịch nông nghiệp là thế mạnh có thể phát triển, nâng tầm ở xã Cẩm Hà. Ảnh: P.Q
Cùng nỗi niềm với dải đất dọc theo dòng Cổ Cò, Cẩm Hà cũng đang chờ đợi “nút thắt” này được khơi thông. Theo tuyến du lịch đường thủy từ Đà Nẵng vào Hội An, Cẩm Hà chính là cửa ngõ để đặt chân vào đô thị cổ.
Qua miền ngoại ô di sản, còn lắng đọng câu chuyện về nghề rau Trà Quế nhọc nhằn nuôi nấng bao thế hệ, về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu với khí phách can trường và lòng yêu nước nồng nàn.
Theo định hướng của đề án phát triển xã, Cẩm Hà tập trung phát triển mạnh du lịch cộng đồng với 3 loại hình đặc trưng: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa trên nền tảng nông thôn, nông dân.
Dù vậy, việc phục hồi sức hấp dẫn với khách quốc tế và cải thiện sức hút với khách nội địa đang là trăn trở trong phát triển du lịch Cẩm Hà.
Làm sao trên nền tảng cảnh quan cùng giá trị văn hóa làng nghề hiện có, Cẩm Hà có thể tạo ra vệt du lịch xanh từ đầm Trà Quế đến cánh đồng lúa và ra ven sông Cổ Cò.
Ở đó, du khách có thể học nấu ăn - khám phá ẩm thực, trải nghiệm canh tác nông nghiệp rồi thư giãn với spa, tinh dầu, trà thảo mộc từ chính hương liệu bản địa. Với thế mạnh của mình, Cẩm Hà có thể xây dựng các tour du lịch xanh gắn với đào tạo kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu; tour xe đạp, thưởng thức nghệ thuật tạo hình cánh đồng lúa; tour du lịch tâm linh, tham quan các di tích văn hóa - lịch sử cách mạng.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, vai trò cộng đồng trong sản xuất, cộng đồng trong làm du lịch có tính quyết định đến sự hưởng lợi của mỗi người dân tại địa phương. Cơ quan quản lý khuyến khích hỗ trợ, hình thành mô hình quản lý hợp tác xã du lịch, dịch vụ, quản lý du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển sản xuất kinh tế, cộng đồng trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị làng nghề ở Cẩm Hà.
Phạm Quốc