Phát huy giá trị di sản về Bác Hồ tại Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 20/05/2022
Vùng đất Thừa Thiên Huế in đậm những năm tháng Bác Hồ cùng gia đình sinh sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động cách mạng.

Với gần 20 di tích và cụm di tích mang dấu ấn của Bác Hồ và gia đình đã trở thành di sản quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế những ngày này rất đông người dân và du khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu. Đây là ngôi nhà mà Bác Hồ sống từ năm 1898 đến 1900 cùng cha và anh trai, lúc cụ Nguyễn Sinh Sắc về dạy học ở đây. Ngôi nhà mái tranh, vách ghép ván, làm lớp học và là chỗ ở cho cụ và hai con. Tại đây, Bác đã được học những chữ Hán đầu tiên do cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy. Ngôi nhà cùng với bến Đá, am Bà, đình làng Dương Nỗ đã trở thành cụm di tích liên hoàn ghi dấu tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những nơi hàng ngày Bác đến dạo bộ ngắm cảnh, học bài, cùng bạn bè tham gia những buổi sinh hoạt truyền thống, tham gia lễ hội của cộng đồng dân cư địa phương...

Học sinh đến tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

“Bản thân tôi là một người dân, khi đến đây cũng bồi hồi xúc động khi được giới thiệu về hoàn cảnh gia đình, sự nghiệp khi lớn lên của Bác. Rất là tự hào, mình là người dân của Việt Nam, luôn học tập và noi gương tấm gương của Bác”-bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân thành phố Huế đến tham quan nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ cho biết.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là địa chỉ đỏ để học sinh, sinh viên đến tham quan.

Một địa điểm di tích khác là Trường THPT chuyên Quốc học Huế, nơi mang đậm dấu ấn của người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi đỗ Phó bảng, vào Kinh đô Huế nhậm chức, đưa theo hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành là 1 trong 10 học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, thi vượt cấp vào lớp đệ nhị trung học tại Trường Quốc học khóa 1908-1909. Trong thời gian theo học ở đây, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với các thầy giáo tiến bộ, có tinh thần yêu nước như Hoàng Thông, Lê Văn Miến. Các thầy không chỉ dạy văn hóa mà còn dành nhiều thời gian nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ, văn minh phương Tây. Chính ảnh hưởng của các thầy giáo này mà ngọn lửa niềm tin của tinh thần dân tộc được nhen nhóm và lớn dần trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.

Khu nhà lưu niệm Bác Hồ và phòng truyền thống tại Trường Quốc Học Huế.

Nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Quốc học Huế trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho biết, Khu nhà lưu niệm Bác Hồ và phòng truyền thống tại Trường Quốc học Huế thường xuyên mở cửa, đón khách tham quan. 

“Trường và Sở Giáo dục Đào tạo phối hợp xây dựng trường Quốc Học trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch của du khách đến với Huế. Và đang xây dựng cho học sinh trở thành những người hướng dẫn viên. Mục tiêu khắc sâu thêm truyền thống của Quốc Học và truyền thống về Bác trong bản thân học sinh của Quốc Học và lan tỏa những giá trị, tư tưởng của Bác Hồ đến với du khách ở  khắp mọi nơi”- ông Nguyễn Phú Thọ cho biết. 

Phòng truyền thống tại Trường Quốc Học Huế.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 20 di tích và cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh,  trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp tỉnh. Những di tích gắn với hình ảnh của Bác Hồ là tiếng nói chân thực từ lịch sử dân tộc, kể cho người nghe những thông điệp có sức truyền cảm mạnh mẽ về tư tưởng, tình cảm và nhân cách của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị của cụm di tích này.

“Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh các hoạt động để quảng bá hình ảnh của hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu ở Huế, để các di tích này trở thành địa chỉ đỏ cho học sinh, sinh viên, các cơ quan ban, ngành trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khách đến tham quan Huế. Khẳng định cái giá trị di sản của Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế và có sự kết nối giữa hệ thống di tích này với các hệ thống di tích trên địa bàn”- bà Lê Thùy Chi cho biết./.

Lê Hiếu

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 20/5/2022