Để đêm Tây Đô bật sáng đời sống du lịch

Cập nhật: 20/05/2022
Mặc dù dư thừa tiềm năng và dư địa để kết nối với trung tâm kinh tế lớn của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch, nhưng vùng Tây Nam Bộ vẫn chưa thực sự liên kết tạo ra nguồn lực cộng hưởng. Mới đây, Cần Thơ công bố đề án triển khai du lịch ban đêm, cùng với đó, các hãng hàng không của Việt Nam quyết định dành sự ưu tiên cho toàn bộ các chuyến bay đáp xuống sân bay Cần Thơ, bao gồm giá cả ưu đãi và giờ bay không hạn chế. Đây có thể là các hành động hiệu quả tạo ra đột phá cho vùng du lịch Tây Nam Bộ trong thời gian tới.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) họp vào sáng sớm trên mặt sông. Ảnh: Thụy Văn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ vừa ra mắt đề án táo bạo triển khai du lịch ban đêm cho vùng du lịch văn hóa Tây Đô - trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi dịch Covid-19 được khống chế trong mức an toàn, du lịch Cần Thơ bắt đầu rục rịch trở lại, tuy nhiên, mức độ nhộn nhịp và năng động chưa hoàn toàn được như trước đây. Sự lo lắng, dè dặt hiện rõ trong từng quyết định của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, dịch vụ du lịch. Cần một cú hích đột phá - điều đó ai cũng nhìn thấy rõ, nhưng để triển khai cụ thể như thế nào thì chưa hẳn các phương án được bàn tới đều khả thi.

Du lịch vào khung giờ ban đêm (từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau) được đề cập trong bối cảnh Cần Thơ có đủ điều kiện để triển khai mô hình này. Ở đây tập trung đông dân cư, có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú và đặc biệt là dịch vụ sẵn có để phát triển mô hình kinh tế ban đêm. Cần Thơ có một đời sống thị dân lâu đời, lặng lẽ tồn tại trong lòng khu du lịch phát triển. Đặc biệt, có khu chợ nổi trên sông Cái Răng thường họp rất sớm, từ đêm hôm trước, các thương hồ đã đổ về từ các nhánh sông, sang hàng, sinh hoạt khi mặt trời chưa lên.

Khu chợ nổi Cái Răng được nhắc tới là khu chợ đặc biệt nhất trong 10 khu chợ của thế giới. Buổi tối ở Cần Thơ vô vàn các quán hàng ăn uống, cà phê có ca nhạc trực tiếp, có phòng trà, có dân ca nhạc cổ trên sông nước. Chưa hết, Tây Đô yêu kiều soi bóng xuống sông Hậu lâu nay còn có một tuyến đường thủy dành cho các nhà hàng nổi trên sông, mỗi tối đều đưa thực khách dạo chơi, ăn uống ngắm trăng bên cầu Cần Thơ.

Dân du lịch bụi còn kháo nhau, Cần Thơ có rất nhiều tiệm ăn “âm phủ”, có các xe bánh mì, hủ tiếu “âm phủ” - ý nói các quán, hàng rong bán ban đêm, hấp dẫn vô cùng. Có xe bánh mì “âm phủ” đã tồn tại hàng mấy chục năm qua, mỗi tối bán hàng ngàn chiếc cho dân đô thị và khách du lịch khắp nơi nhờ họ biết tới do tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội. Có thể vì thế, du lịch Cần Thơ có điều kiện và cũng là gợi ý để người làm du lịch xây dựng mô hình du lịch ban đêm khả thi.

Theo tính toán, từ năm 2022 đến 2024, Cần Thơ có thể thí điểm mô hình trên địa bàn quận Ninh Kiều và kêu gọi đầu tư trong khu vực này. Hiện nay, bến Ninh Kiều mỗi đêm đều rất đông khách du lịch nội địa. Các nhà hàng chật kín du khách tham dự các tuyến du lịch trên sông, đi dạo ở cầu tình yêu bắc từ bến Ninh Kiều qua cồn đảo nổi trên sông Hậu, thưởng thức trái cây quanh chợ trái cây lớn nhất miền Tây Nam Bộ và nhiều loại hình ẩm thực phong phú, đặc sắc.

Từ những hoạt động đã có sẵn, Cần Thơ tiếp tục duy trì và nâng chất lượng dịch vụ, cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng đối với các hoạt động hiện có như: Phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu, chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học, chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường Sông Hậu, tuyến đường chuyên kinh doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám...

Đối với mô hình kết nối mạng lưới tuyến du lịch: Kết hợp tài nguyên sẵn có như cảnh quan sông nước, các điểm đến như chợ nổi Cái Răng, đền thờ Vua Hùng, bến Ninh Kiều, du lịch sinh thái ở Phong Điền, du lịch cộng đồng ở Bình Thủy.

Gần như cùng lúc, Cục Hàng không Việt Nam khuyến khích các hãng hàng không Việt Nam có chính sách ưu đãi giá vé và mở thêm đường bay tới Cần Thơ. Để thực hiện hiệu quả kết nối du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, hàng không phải đi đầu khai mở chiến lược, nghiên cứu thị trường và ưu tiên Nam Bộ. Tháng 6-2022, toàn bộ công tác xúc tiến du lịch đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được thảo luận, thực thi nhằm sớm đưa khu vực này ra khỏi sự nhàm chán và vơi dần sức hấp dẫn khi dịch vụ du lịch đã cũ và ít thay đổi.

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất của Đông Nam Á với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là vùng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái nông nghiệp, miệt vườn, sông nước... và các tạp chí du lịch quốc tế thường xuyên nhắc tới đồng bằng cuối cùng của hệ thống sông Mê Kông với nhiều màu sắc.

Các chợ nổi của đồng bằng sông Cửu Long như Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (thành phố Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)... rất đặc sắc về cảnh quan và đặc trưng đời sống con người miền sông nước. An Giang tập trung phát triển du lịch vùng Châu Đốc, Bảy Núi. Đồng Tháp Mười bao gồm Long An và Đồng Tháp phát triển vùng sinh thái ngập nước đa dạng, tuyến sông Vàm Cỏ, mùa nước nổi trên cả vùng chuyên canh cây lương thực công nghệ cao. Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo. Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng. Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp... Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển thành trung tâm du lịch quan trọng của vùng. Tất cả đang dần biến vùng đồng bằng phía Nam nước ta trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Như vậy, liên kết phát triển vùng ở đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành cấp thiết sau khi hệ thống đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh, từ Cần Thơ tỏa ra khu vực lân cận đã dần hoàn thiện. Việc tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng là khả thi, nhất là khi Cần Thơ đã có những động thái mạnh mẽ.

Cần Thơ trên bến dưới thuyền, gạo trắng nước trong, đêm trăng hoài cổ, chợ nổi trên sông..., quá nhiều mỹ từ dành cho vùng sông nước Tây Đô đang chờ sự chuyển mình.

Thụy Văn

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 20/05/2022