Với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, 47/52 nghề truyền thống của cả nước, cùng những nét ẩm thực hấp dẫn, du lịch làng nghề và ẩm thực tại Hà Nội là một hướng phát triển du lịch đang được chú trọng.
Du khách tham quan gian hàng làng nghề khảm trai, sơn mài Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Khám phá tinh hoa ẩm thực Thủ đô
Hà Nội nổi tiếng hội tụ nhiều món ăn ngon mà từ lâu được coi là tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều sâu văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Tràng An với nhiều món ăn hấp dẫn như bánh cuốn Thanh Trì, phở Hà Nội, bún thang, nem, chả cá, giò chả Ước Lễ, bánh cốm, Gà hấp lá sen, trà Việt,…
Ẩm thực Hà Nội luôn hấp dẫn cả du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hà Nội liên tục được nhiều tạp chí ẩm thực trên thế giới bình chọn là một trong những thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất, không nói quá khi coi Hà Nội là “bếp ăn của thế giới”.
Để “bếp ăn” ấy đến gần hơn với du khách thập phương, các đơn vị ẩm thực trên địa bàn thành phố đã cùng hội tụ tại Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 vừa qua, góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc đậm chất Hà thành.
Không gian ẩm thực hấp dẫn đông đảo người dân và du khách tham gia trải nghiệm.
Tại các gian hàng nhà tre truyền thống, trang trí đẹp mắt ẩn dưới hàng cây hoa bằng lăng tím đang mùa hoa nở; lung linh dưới ánh đèn lồng nhiều màu sắc, du khách không chỉ được thoải mái thưởng thức hương vị các món ngon mà còn giao lưu, trò chuyện và tận hưởng không khí sôi động của Seagame 31 và ngắm vẻ đẹp của đêm Hà Nội.
Hà Nội - mảnh đất “trăm nghề”
Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, Hà Nội vẫn luôn là trung tâm văn hóa lớn nhất nước với các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Hà Nội vốn nổi tiếng vùng đất “Địa linh nhân kiệt” ngày nay đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Một trong những điểm hấp dẫn rất riêng, đang còn nhiều tiềm năng khai thác, để thu hút khách du lịch, đó là các làng nghề tại Hà Nội.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 47/52 nghề truyền thống của cả nước.
Một số làng nghề đã có sự đầu tư để đón khách du lịch như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh..., du khách đến với làng nghề có thể tìm hiểu văn hóa của làng, xem nghệ nhân trình diễn nghề và trải nghiệm một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề, mua sắm sản phẩm làng nghề, quà tặng.
Với sự tham gia của các làng nghề truyền thống và các nghệ nhân, đơn vị ẩm thực trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng một số địa phương trên cả nước, Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội 2022 vừa diễn ra mới đây đã góp phần vào việc định hướng, làm sâu sắc thêm hướng đi này, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Thủ đô.
Gian hàng đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ.
Ban Tổ chức sự kiện này đã bố trí các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu như làng lụa Vạn Phúc, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng, làng Sơn mài Hạ Thái, Mây tre đan Phú Vinh, Lược sừng Thụy Ứng, làng nghề nặn tò he Xuân La... Bên cạnh giới thiệu về văn hóa truyền thống và các sản phẩm làng nghề, các công cụ, dụng cụ sản xuất sản phẩm, các quy trình chế tác cũng được các nghệ nhân giới thiệu tỉ mỉ với khách tham quan.
Đa dạng hóa các hoạt động quảng bá ẩm thực và làng nghề truyền thống tiêu biểu của Thủ đô
Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 vừa khép lại đã góp phần quảng bá, đem đến cái nhìn toàn diện về Thủ đô Hà Nội - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn nói chung và các giá trị ẩm thực, làng nghề đặc sắc nói riêng tới du khách trong và ngoài nước.
Diễn ra từ ngày 19-23/5, sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức, nhân sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, đồng thời hưởng ứng Chương trình năm du lịch quốc gia 2022 với mục tiêu du lịch Việt Nam an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chí của “du lịch xanh”.
Lễ hội bao gồm các hoạt động hấp dẫn như giới thiệu ẩm thực đặc sắc của Hà Nội và một số địa phương; giới thiệu không gian các làng nghề du lịch tiêu biểu; hoạt động giới thiệu và trải nghiệm thực hành công đoạn sản xuất một số sản phẩm làng nghề.
Không gian triển lãm được bố trí với 3 khu vực chính, trong đó điểm nhấn là khu gian hàng giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tiêu biểu: Làng lụa Vạn Phúc, làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng. Tại các không gian trưng bày có thuyết minh viên giới thiệu về văn hóa truyền thống của làng nghề cũng như quy trình sản xuất các sản phẩm.
Các đại biểu khai mạc Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 tối 20/5 vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chia sẻ, Lễ hội được tổ chức với mong muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế tinh hoa ẩm thực và các sản phẩm làng nghề truyền thống của Thủ đô.
“Trung tâm coi đây là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, điểm đến du lịch, giới thiệu những giá trị văn hóa ẩm thực, sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu đến với nhân dân và du khách trong, ngoài nước, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa cổ truyền, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Hà Nội đến với du khách, bạn bè các nước tới tham dự SEA Games 31”, bà Nguyễn Thị Mai Anh cho hay.
Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 đã góp phần vào việc quảng bá các món ăn đặc sắc cũng như các làng nghề trên địa bàn Thủ đô thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại các làng nghề truyền thống.
Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 đã chính thức khép lại, song những dư âm về mảnh đất nghìn năm văn hiến còn lưu lại vẹn nguyên trong lòng du khách. Với những thành công đã đạt được, Lễ hội dần trở thành sự kiện xúc tiến du lịch, thương mại quan trọng thường niên, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, quảng bá về văn hóa và tiềm năng du lịch Hà Nội qua hương vị ẩm thực và các di sản văn hóa làng nghề của Thủ đô.
N.B.