Tỉnh An Giang đang mời gọi đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư nhằm phát huy những giá trị của hệ sinh thái ngập nước phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân, tạo thêm ngành nghề, giải quyết lao động, việc làm và thu nhập cho cư dân địa phương theo hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái góp phần đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Rừng tràm Trà Sư diện tích 845 ha, nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là khu rừng nằm trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia. Đây là điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghhiên cứu,những người yêu động vật hoang dã, và du khách yêu thích du lịch sinh thái.
Khu rừng có 140 loài thực vật đã xác định: 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài cây dây leo, 70 loài cỏ và 13 loài thủy sinh, đặc biệt có nhiều loài thuốc nam với nhiều cây thuốc bổ và có giá trị, 22 loài cây cảnh, 9 loài cây ăn quả...;11 loài thú rừng trong 6 họ và 4 bộ, 70 loài chim thuộc 13 bộ và 3 họ, có 2 loài chim quý hiếm là cò Ấn Độ và cò rắn ( điêng điểng ), 20 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Tài nguyên thủy sản có 23 loài cá, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng: cá còm và trê trắng.
Nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nguyên cứu và những người ham mê động vật hoang dã. Ngoài ý nghĩa về mặt bảo tồn, giá trị kinh tế rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng những yếu tố văn hóa tiềm ẩn rất độc đáo và phong phú.
Quanh khu rừng có nhiều đồng bào Khmer và Kinh sinh sống với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, lụa Khmer siêu, nấu đường thốt nốt, tinh cất tinh dầu tràm, gây nuôi mật ong...
Tỉnh An Giang đã quy hoạch kết hợp lễ hội cổ truyền trong vùng gắn với du lịch tham quan làng nghề truyền thống làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch. Hàng năm, khu rừng tràm Trà Sư đón gần 9.000 khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và du lịch.
Tỉnh An Giang đang mời gọi đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư nhằm phát huy những giá trị của hệ sinh thái ngập nước phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân, tạo thêm ngành nghề, giải quyết lao động, việc làm và thu nhập cho cư dân địa phương theo hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái góp phần đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Gần đây, tỉnh An Giang đã đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng tràm Trà Sư và phát triển du lịch. Tháng 3/2008 tỉnh khởi công công trình nâng cấp và mở rộng lộ Mương Tiền dài 3,4 km, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, tạo điều kiện cho du khách đến rừng Trà Sư bằng đường kênh và đường bộ.