Thủ đô Hà Nội là “vùng đất trăm nghề”, hội tụ trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất cả nước. Trải qua hơn 1.000 năm văn hiến, các làng nghề xưa vẫn còn in dấu ấn lịch sử văn hoá cho tới ngày nay. Nền tảng văn hoá truyền thống này giúp Hà Nội tiếp tục sáng tạo, lan tỏa, thể hiện vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế.
Hà Nội - thành phố cổ kính trên 1.000 năm tuổi, vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, con người thanh lịch, hào hoa. Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những các công trình kiến trúc, cảnh quan độc đáo, những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, mà còn được biết đến với nhiều sản phấm thủ công tinh xảo được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề truyền thống, một nguồn tài nguyên du lịch, văn hoá hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, 314 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Trong những năm qua, Trung ương và Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm (đóng góp khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 1000 - 2500 tỷ đồng /năm).
Nghề thêu tay cổ truyền tại làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Theo số liệu làng nghề truyền thống Hà Nội, trong hơn 1.350 làng nghề Hà Nội, có khoảng 176.000 hộ làm nghề, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 56 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 822 làng nghề; Chế biến, bảo quản nông sản có 329 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 143 làng nghề.
Trong số các làng nghề, nổi trội có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 20 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may; 09 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 05 làng làm nghề đan tơ lưới; 51 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 05 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 11 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc...)
Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm ...Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như Nga, Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai và một số nước châu Á, Đông Nam Á.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất tơ lụa tại làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội).
Một số sản phẩm thủ công mới phát triển từ nền tảng truyền thống, xuất hiện trong thời gian gần đây, nổi trội có nghề dệt lụa từ tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận, làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Sinh sống tại làng Phùng Xá, một ngôi làng có nghề dệt truyền thống lâu đời, từ năm 2017, bà Thuận đã kỳ công nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Sau hơn một năm nghiên cứu, miệt mài gắn bó với cây sen, bà Thuận đã thành công với phương pháp dệt lụa từ tơ sen. Để làm ra 250g sợi đủ để dệt một chiếc khăn sen có kích thước như chiếc khăn thường, người làm phải mất khoảng 10 ngày để rút tơ từ gần 3000 cọng sen. Để dệt một mét lụa, cần khoảng 15.000 cuống sen. Sự kỳ công trong chế tác và sự sáng tạo của nghệ nhân làng nghề truyền thống đã góp phần lan toả, quảng bá hình ảnh đẹp về làng nghề Hà Nội với bạn bè quốc tế.
Với bề dày văn hiến, Thủ đô Hà Nội còn rất nhiều các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể để kiến tạo các không gian văn hoá mới. Hệ sinh thái các làng nghề của Hà Nội ẩn chứa và phô diễn những giá trị tốt đẹp của nền văn hiến đất Thăng Long - Hà Nội, nhờ vậy Hà Nội có ưu thế vượt trội so với nhiều thủ đô khác. Kho báu các làng nghề truyền thống đã và đang góp phần xây dựng một Thủ đô trên đường hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống một cách bền vững./.
Tin, ảnh: N Dương