Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cam Lộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng của huyện để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch trở thành động lực thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, thực hiện các mục tiêu phát triển của huyện”
Lần đầu tiên phát triển du lịch được huyện Cam Lộ đưa vào nghị quyết, là cơ sở để đẩy mạnh công tác quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch các khu, tuyến điểm du lịch; mời gọi đầu tư tạo các sản phẩm du lịch ấn tượng, có lợi thế so sánh với các địa phương khác, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh và xây dựng Cam Lộ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu với bản sắc riêng có.
Di tích Thành Tân Sở đang được huyện Cam Lộ đầu tư hình thành sản phẩm du lịch độc đáo “Theo dấu chân của vua Hàm Nghi cứu nước” - Ảnh: N.T.H
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với huyện Cam Lộ tăng hằng năm, ước đạt 12.000 lượt khách vào năm 2021, chủ yếu là khách lẻ, khách gia đình, khách theo nhóm; khách du lịch theo tour mới hình thành bước đầu là du lịch hoài niệm chiến trường xưa và dâng hương tưởng niệm vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương. So với tiềm năng của huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị to lớn và nhiều danh thắng đẹp; với lợi thế địa bàn có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối liên tỉnh và liên vùng, thì lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm tại huyện Cam Lộ còn chưa tương xứng.
Cam Lộ cũng chưa được ghi nhận là điểm đến trên bản đồ du lịch tỉnh Quảng Trị. Mặc dù huyện đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, song chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn tương xứng với tiềm năng, tạo các sản phẩm du lịch ấn tượng, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ở Cam Lộ, UBND huyện đã ban hành “Đề án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch huyện Cam Lộ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển du lịch trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế, quyết tâm từng bước đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng của huyện.
Theo đó, huyện Cam Lộ đã cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; trong đó, chú trọng phát triển du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, du lịch gắn với thiên nhiên, sinh thái dựa vào cộng đồng trải nghiệm thành quả của nông thôn mới.
Với định hướng đó, Cam Lộ tập trung đầu tư hoàn thiện di tích Tân Sở, ưu tiên các hạng mục như nhà trưng bày hiện vật về phong trào Cần Vương, quảng trường và hệ thống cổng, các công trình bổ trợ khác. Phối hợp với các cơ quan quản lý cấp tỉnh phục hồi và tôn tạo Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, phong phú hóa các hiện vật trưng bày bổ trợ để thu hút du khách đến tham quan. Xây dựng hình ảnh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của di tích lịch sử và sự tham gia, hưởng ứng của người dân Cam Lộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; hình thành sản phẩm du dịch “Theo dấu chân của vua Hàm Nghi cứu nước” kết nối với các địa điểm lịch sử gắn với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị và Triều Nguyễn ở kinh thành Huế.
Quy hoạch, kêu gọi đầu tư các công trình tưởng niệm, chứng tích kết nối các điểm trên tuyến Đường 9, như: Điểm cao 241 (Carroll), Tân Lâm, Đầu Mầu, Điểm cao 554 (Phu Lơ), Căn cứ Rockpile, hàng rào điện tử McNamara… gắn du lịch về chiến trường xưa, về nguồn, tâm linh, trải nghiệm du lịch sinh thái. Quy hoạch các địa điểm danh thắng đẹp khai thác phát triển du lịch như: Khe Gió, suối nước khoáng nóng Tân Lâm, các sông, hồ… hình thành tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá gắn với tham quan các di tích lịch sử.
Xây dựng các điểm tham quan trải nghiệm nông thôn mới, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, làng nghề truyền thống gắn với quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương. Hoàn thiện di tích Đình làng và Chợ Phiên Cam Lộ, xây dựng Chợ Phiên Cam Lộ là chợ truyền thống trên bến dưới thuyền, trở thành trung tâm giao thương lớn trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, liên kết với khu vực kinh doanh, thương mại, logicstic tại điểm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam để phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lộ Nguyễn Minh Đức cho biết, để đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương, huyện Cam Lộ đang chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư, tìm giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn. Trong bối cảnh đó, huyện cũng đón nhận những tín hiệu tích cực khi có những tập đoàn lớn như: T&T, Sam Hoding, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... xúc tiến mong muốn hợp tác đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Cam Lộ.
Những tín hiệu tích cực đó, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Trị nói chung, du lịch Quảng Trị và các địa phương trong tỉnh nói riêng sẽ tạo nền tảng và cơ hội để Cam Lộ từng bước định hình và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Thanh Hải