Với vị trí là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nguồn tài nguyên bản địa phong phú, thời gian qua thành phố Cần Thơ đang đẩy mạnh khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch, phấn đấu thực hiện mục tiêu “đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước”.
Thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sinh thái sông nước đô thị; du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng, sự kiện, triển lãm). Do đó, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch thành phố được chú trọng theo hướng đa dạng hóa, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Với đặc thù đô thị sinh thái, sông nước với hơn 60% diện tích vùng ngoại thành, được bao quanh bởi hệ thống sông, rạch chằng chịt, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp. Thành phố Cần Thơ hiện có 3 cụm du lịch cộng đồng gắn với sinh thái nông nghiệp nổi bật, đó là du lịch cộng đồng Cồn Sơn (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), cộng đồng nhà vườn (thuộc huyện Phong Điền), cù lao Tân Lộc (thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt).
Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, khai thác hiệu quả tài nguyên. Ảnh: Ái Lam
Với hơn 6.000 ha cây ăn trái, 63 điểm hoạt động du lịch sinh thái, những năm gần đây, huyện Phong Điền đang được đầu tư phát triển loại hình du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng với nhiều nhà vườn, hộ gia đình tham gia làm du lịch. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Phong Điền đã được định hướng xây dựng, phát triển trở thành đô thị sinh thái với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch: Làng Du lịch Mỹ Khánh, Làng Du lịch Ông Đề, Khu du lịch Lung Cột Cầu...
Cần Thơ cũng đẩy mạnh khai thác vị trí trung tâm trung chuyển đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: mở thêm các tour, tuyến du lịch sông nước tại Cần Thơ và từ Cần Thơ đến các tỉnh trong và ngoài vùng; hợp tác với An Giang, Kiên Giang hình thành “Tam giác du lịch” mạnh nhất khu vực với các loại hình du lịch sông nước - biển đảo - núi.
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy du lịch phát triển. Nổi bật là công trình đền thờ Vua Hùng tại quận Bình Thủy với diện tích hơn 39.000m2, tổng vốn đầu tư 129,5 tỷ đồng; tour du lịch Chợ nổi Cái Răng và các điểm vườn du lịch…; ra mắt tuyến phố đi bộ Ninh Kiều tại khu vực bến Ninh Kiều với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí hấp dẫn như đờn ca tài tử, biểu diễn nhạc cụ, trò chơi dân gian, hoạt náo đường phố… thu hút hàng ngàn lượt khách.
Thành phố Cần Thơ đưa vào khai thác du lịch công trình Đền thờ vua Hùng từ tháng 4/2022
Thành phố Cần Thơ xác định du lịch MICE được xem là một trong những loại hình du lịch thế mạnh có nhiều có tiềm năng phát triển ở Cần Thơ. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ ở Cần Thơ phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tại TP.Cần Thơ, quận Ninh Kiều là nơi tập trung khá nhiều trung tâm hội nghị, hội thảo, mua sắm, triển lãm, nhà hàng và khách sạn. Các điểm du lịch sinh thái cũng là điểm đến phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động du lịch MICE như Khu du lịch Mỹ Khánh, Khu du lịch Cồn Sơn, Làng du lịch Ông Đề...
Thông tin từ Viện Kinh tế Xã hội Cần Thơ, hiện thành phố có khoảng 600 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có nhiều cơ sở đạt 4-5 sao cùng các trung tâm mua sắm, chợ. Toàn thành phố đã có trên 30 khu, điểm du lịch với các sản phẩm đặc thù là du lịch sinh thái sông nước đô thị, du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa và du lịch MICE.
Thời gian qua, nhằm khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, thành phố Cần Thơ đã ban hành Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và mới đây nhất thành phố triển khai thí điểm Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ tại quận Ninh Kiều...
Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành thành phố Trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng và phát triển thành phố trên cơ sở khai thác vị thế và tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc...
Ngành du lịch thành phố triển khai các hoạt động quảng bá, thúc đẩy các sản phẩm du lịch đặc trưng cho điều kiện, thế mạnh tự nhiên
Năm 2022, ngành Du lịch thành phố xác định là năm phục hồi hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động kích cầu du lịch đã được đồng loạt triển khai hiệu quả. Thống kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, du lịch tại thành phố đạt hơn 3,1 triệu lượt (tăng 55% so với cùng kỳ năm trước); các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 1,2 triệu lượt (tăng 50%); tổng doanh thu du lịch đạt gần 2.100 tỷ đồng (tăng 57%).
Thời gian tới, Cần Thơ chú trọng các hoạt động điểm nhấn nhằm đưa ngành Du lịch trở về vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố cũng như có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng tầm là thành phố trung tâm, đầu tàu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ được nâng cấp.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để đưa du lịch Cần Thơ đến gần du khách. Từ nay đến cuối năm 2022, tại Cần Thơ có nhiều sự kiện, lễ hội sẽ diễn ra như: Ngày hội du lịch sinh thái huyện Phong Điền (tháng 9), Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều (tháng 11; Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCM 2022; Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ tại Thái Lan và Nhật Bản…tạo điều kiện cho các địa phương quảng bá các sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp kết nối lại thị trường du khách.
Mai Lê