Nghệ An với công tác bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An

Cập nhật: 29/04/2009
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận là Khu DTSQTG vào tháng 7/2007. Đây là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của Việt Nam không chỉ có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần phải được bảo tồn và phát triển.

Trong thời gian qua Khu DTSQTG này đã được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An và các cơ quan ban ngành liên quan quan tâm bằng việc đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn khu DTSQTG quý giá này.

Các biện pháp được đề ra, đã và đang được thực hiện:

-          Tăng cường lực lượng kiểm lâm hàng năm và đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp, chỉ đạo mạnh mẽ các địa phương, các ban ngành tích cực và làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng tại địa phương mình và khu vực do mình quản lý.

-          Thành lập Vườn quốc gia Pù Mát và hai Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt để gìn giữ, bảo tồn nguồn tài nguyên rừng trọng yếu của Nghệ An.

-          Tăng cường sự đầu tư của quốc tế thông qua các dự án như dự án SFNC (đầu tư để phát triển kinh tế cho các hộ thuộc vùng đệm Vườn quốc gia); dự án bảo vệ rừng lưu vực sông Cả; dự án Dadida của Đan Mạch; dự án phát triển miền núi phía tây Nghệ An của Lucxambua nhằm bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào ở các làng bản. Nhận thức của người dân về rừng đã thay đổi, đã giảm được sự phụ thuộc các sản phẩm thu nhập từ rừng và giảm được sự tác động của người dân vào rừng.

-      UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản giao cho Vườn quốc gia Pù Mát xây dựng Dự án bảo tồn trên địa bàn tỉnh. Dự án được xây đựng với các nội dung cụ thể, cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới để bảo tồn và phát triển khu DTSQ này. Đặc biệt, với diện tích trải rộng trên địa bàn 9 huyện, công tác phối kết hợp với các cấp chính quyền cơ sở đến tận người dân có vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển, nhất là khu vựcvùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 khu bảo tồn Pù Huống, Pù Hoạt.

-       Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc đi đôi với phát triển kinh tế.

-       Tuyên truyền nâng cao nhận thức đến học sinh, người dân người dân địa phương về việc chấp hành các quy định Nhà nước về bảo tồn động vật hoang dã. Đào tạo phát triển và tìm đầu ra cho sản phẩm các ngành nghề như dệt thổ cẩm, các sản phẩm đan lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, luồng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

-       Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương các huyện, xã vùng đệm, Vườn quốc gia Pù Mát cần chặt chẽ, thường xuyên hơn cũng như xử lý nghiêm khắc các vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, vận chuyên, tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn, các hoạt động khai thác gỗ, đốt nương làm rẫy và các hoạt động bất hợp pháp khác tác động đến các vùng sinh cảnh. 

  -     Xác định rõ du lịch sinh thái được coi là chìa khoá nhằm cân bằng giữa mục tiêu phát triển du lịch với việc bảo vệ môi trường; góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì tính đa dạng sinh học. Hoạt động du lịch sinh thái còn có tác dụng giáo dục con người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường đặc biệt là môi trường du lịch, qua đó hình thành ý thức bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Một số biện pháp trên của các cấp chính quyền Nghệ An và các bộ ngành có liên quan nếu được phối hợp chặt chẽ sẽ bảo tồn và phát triển được Khu DTSQ miền Tây Nghệ An – một tài sản quý không chỉ của xứ Nghệ mà đó còn là tài sản của Việt Nam và cộng đồng thế giới. Khu DTSQ miền Tây Nghệ An nằm trên địa bàn của 9 huyện miền Tây Nghệ An là khu vực giàu tài nguyên đa dạng sinh học vào loại bậc nhất của cả nước, với nhiều loài sinh vật quý hiếm, phần lớn các loài sinh vật mới đều được phát hiện tại đây. Khu DTSQTG này còn bao gồm đặc trưng văn hoá - nhân văn nổi bật của cộng đồng người Thái, người Mông cùng với những giá trị bản địa sâu sắc và không thể bỏ qua giá trị cội nguồn tộc người Ơ Đu có dân số ít nhất trong cộng đồng dân cư Việt Nam. Đặc biệt, Khu DTSQ thế giới miền Tây Nghệ An được xác định là một trong ba khu vực trong cả nước hiện đang tồn tại quần thể voi Châu Á có số lượng tốt nhất theo quy mô đàn. Với những chức năng giá trị như vậy, khu DTSQTG miền Tây Nghệ An sẽ giúp tỉnh thiết lập một hành lang bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, đa dạng loài gen, đa dạng văn hoá truyền thống; Đồng thời sẽ tạo ra những động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực con người 9 huyện miền Tây Nghệ An một cách bền vững. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của cộng đồng cư dân địa phương sẽ có tác dụng to lớn trong việc hướng dẫn du khách bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường của địa phương, đồng thời thông qua hoạt động du lịch giúp người dân đẩy mạnh các hoạt động giao thương, buôn bán, thúc đẩy các ngành nghề của địa phương phát triển.

 

 

(Trung tâm Thông tin du lịch – TCDL)

 

Nguồn: Báo Nghệ An