Mất nhiều thập niên mới có thể khôi phục hệ sinh thái biển nếu bị tổn hại

Cập nhật: 22/07/2022
Đại dương, nơi cung cấp thực phẩm, tài nguyên khoáng sản và năng lượng cần thiết cho sự sống. Tuy nhiên, các đại dương đang phải đối mặt những mối đe dọa chưa từng có do các hoạt động của con người, vốn gia tăng nhanh chóng cùng dân số thế giới.

Theo giới chuyên gia, thế giới đang ở ngã ba đường, khi mực nước biển dâng, nước biển nóng lên và tăng mức độ a-xít hóa, cũng như nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính đều ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Ô nhiễm môi trường biển đang nằm ngoài tầm kiểm soát, với hàng triệu tấn nhựa xâm nhập vào các đại dương hằng năm.

Mất nhiều năm mới có thể phục hồi hệ sinh thái nếu chúng bị tổn hại.

Các loài sinh vật biển suy giảm nhanh chóng, với hơn 37% loài cá mập và cá đuối trên thế giới, 33% rạn san hô, 26% động vật có vú và 21% loài bò sát hiện bị đe dọa tuyệt chủng. Các nhà khoa học Liên hợp quốc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên trong 65 triệu năm, nếu thế giới không hành động quyết liệt hơn. Tổ chức phi chính phủ Oceana (Mỹ) cho rằng, ít nhất 30% trữ lượng cá tự nhiên đã bị khai thác quá mức và hiện có chưa đến 10% diện tích đại dương được bảo vệ. Các tàu đánh bắt cá trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động tại nhiều vùng biển khắp thế giới. Các chuyên gia nhận định, thế giới hiện hiểu biết quá ít về các hệ sinh thái biển sâu vốn rất dễ chịu tổn thương và có thể mất nhiều thập niên để khôi phục một khi bị tổn hại.

Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Thập niên về Khoa học đại dương vì phát triển bền vững (2021-2030), hay Thập niên Đại dương. Tầm nhìn của Thập niên Đại dương là thay đổi mối quan hệ của nhân loại với đại dương trong bối cảnh phần lớn đại dương vẫn chưa được lập bản đồ, chưa được quan sát và chưa được khám phá đầy đủ.

Thập niên Đại dương Liên hợp quốc là khuôn khổ chung để bảo đảm các nghiên cứu khoa học đại dương, thông qua việc thiết lập một nền tảng mới trên giao diện khoa học - chính sách, có thể hỗ trợ các quốc gia quản lý bền vững tài nguyên đại dương và bờ biển vì lợi ích chung của nhân loại.

Lan Hương

Nguồn: TCDT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 21/07/2022