Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ vừa công bố sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia trong nội Thành nhà Hồ.
Dấu tích đường Hoàng Gia và khu vực khai quật khảo cổ học nhìn từ trên cao xuống.
Đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) nằm ở chính giữa Kinh đô cổ của các quốc gia Phương Đông. Năm 2008, cơ quan chuyên môn đã phát hiện dấu tích con đường phía ngoài cửa Nam Thành nhà Hồ, gồm 3 làn: làn chính giữa cổng Nam rộng 4,8m, hai làn đường phụ hai bên rộng 3,1m, nằm thấp hơn và song song với làn đường giữa.
Hố khai quật trong khu vực nội Thành nhà Hồ.
Dấu tích đường Hoàng Gia kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ còn lại rất rõ theo hướng bắc-nam. Điểm khai quật khảo cổ học năm nay cách cổng Nam 50m nhằm làm rõ địa tầng con đường hiện đại đến dấu tích móng, nền của con đường thời Hồ. Các nhà khảo cổ đã tập trung khai quật khảo cổ 14.000m2 đường Hoàng Gia khu vực trung tâm nội thành.
Di vật phát hiện trong nội Thành nhà Hồ.
Kết quả cho thấy, con đường Hoàng Gia ở thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và sau cổng Nam nhưng dọc con đường xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô như dấu tích hai cổng, cụm kiến trúc Con Rồng với các đơn nguyên xây dựng cùng hành lang kết nối.
Trong hố khai quật, giới chuyên môn tiếp tục phát hiện nhiều loại gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý-Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long, nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây. Ngoài ra, còn phát lộ các di vật mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần Hồ; khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ.
Cuộc khai quật đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành, góp phần tìm hiểu, nhận diện cấu trúc tổng thể Kinh đô triều Hồ. Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ: Các cuộc khai quật khảo cổ trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô: Dấu tích con đường Hoàng Gia, cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu.
Khu vực Chính điện Thành nhà Hồ.
Đặc biệt, kết quả khai quật khảo cổ học tiếp tục bổ sung những luận cứ khoa học, thiết thực làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản thế giới Thành nhà Hồ. Trước mắt, cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ.
Mai Luận