Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhằm bảo vệ và phát triển những giá trị đa dạng sinh học tại khu vực này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp chú trọng bảo vệ rừng, các kiểu hệ sinh thái.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập năm 1999, với tổng diện tích hơn 27.000 ha, nằm giáp ranh với tỉnh Nghệ An và gần biên giới Việt - Lào. Đây là một trong những khu bảo tồn có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam với nhiều loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học tại khu vực Bắc Trung Bộ
Theo kết quả điều tra, hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ IUCN (2012); hệ động vật có 1.631 loài, với 64 loài đặc hữu quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó khu hệ thú có 80 loài, với 27 loài thuộc danh lục quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa cao cần bảo vệ nghiêm ngặt, như: Gấu chó, gấu ngựa, bò tót, mang, sơn dương và các loài thú trong bộ linh trưởng như: Vượn đen má trắng, voọc xám, các loài khỉ...
Vừa qua, sau hai năm nghiên cứu dự án khoa học “Điều tra đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài Cu li (Nycticebus spp.) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2022)” Ban quản lý Khu bảo tồn đã phát hiện 2 loài Cu li quý hiếm.
Loài voọc xám tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Đặc biệt, Khu bảo tồn còn là nơi phân bố số lượng quần thể lớn nhất Việt Nam với loài vượn đen má trắng, gồm 129 cá thể; trên 200 cá thể voọc xám, xác định cho khoa học sự tồn tại của loài “Mang Roosevelt” hay còn gọi là “Mang Lào” được coi đã bị tuyệt chủng gần 100 năm nay...
Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại cây quý có tuổi đời hàng ngàn năm, đã có trong hồ sơ cây di sản Việt Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt và được bảo tồn nguồn gien quý hiếm. Trong đó, quần thể sa mu, pơ mu ở khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được coi là lớn nhất Bắc Trung Bộ với nhiều cây trăm tuổi, đặc biệt có cây gần 1.500 tuổi.
Trong quá trình thực hiện đề tài khoa học "Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan hài vân bắc, hài lông và thủy tiên hường vùng Bắc Trung Bộ", Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã điều tra 42 tuyến với chiều dài 325,9km tại 14 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vùng Bắc Trung bộ để xác định hiện trạng, vùng phân bố các loài lan này, tìm giải pháp bảo tồn, nhân giống các loài lan quý này. Qua đó, phát hiện được 210 cá thể lan hài vân bắc, 1.175 cá thể lan hài lông, 1.265 cá thế lan thủy tiên hường tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Loài lan vân hài bắc được phát hiện tại Khu bảo tồn
Nhằm bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa triển khai Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như bảo tồn các loài động thực vật quy hiếm trong khu vực. Xác định được hiện trạng tài nguyên thiên nhiên; danh lam thắng cảnh và các loại sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Đề án được UBND tỉnh phê duyệt là bước ngoặt tạo cơ chế để Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên kêu thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức bảo tồn, gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng; bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.
Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ diện tích rừng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại khu bảo tồn (Ảnh minh họa)
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã lập được danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cùng các tài nguyên động, thực vật phổ biến; ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý tài nguyên và quan sát đa dạng sinh học bằng công nghệ GPS trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn đã xây dựng thành công nhiều mô hình hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế, như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây Quế Ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân”; “Phát triển đời sống thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân tộc thiểu số tại thôn Vịn, xã Bát Mọt”; các mô hình “Trồng cây chè vằng”... góp phần quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái gắn với nâng cao đời sống của người dân tại khu vực này.
Minh Quân