Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL (Cụm phía Tây) nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói ngay sau dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, cụm vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ khách quốc tế trở lại chưa cao. Lãnh đạo ngành Du lịch các địa phương trong cụm đã bàn thảo tìm giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù để thu hút du khách.
Đoàn Cụm phía Tây khảo sát các điểm du lịch TP Cần Thơ. Ảnh: Kiều Mai
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL thông tin Cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã hình thành được 13 năm. Ðây là cụm có sự phát triển mạnh về du lịch, cả số lượng lẫn doanh thu; chiếm hơn 2/3 tổng lượt khách, doanh thu du lịch của vùng. Sản phẩm du lịch trong Cụm phía Tây cũng rất đa dạng và phong phú với nhiều trải nghiệm về sông nước, biển đảo, sinh thái, MICE…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Cụm phía Tây đón trên 16 triệu lượt khách, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu đạt trên 12,5 nghìn tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong quá trình tái khởi động lại hoạt động du lịch, các tỉnh trong Cụm phía Tây tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, các sự kiện, lễ hội thu hút đông đảo du khách, cũng như làm tốt các công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. Hoạt động liên kết hợp tác du lịch của các tỉnh, thành trong cụm cũng ngày càng gắn bó và phát huy hiệu quả, xây dựng nhiều nội dung hợp tác thiết thực, nhiều hoạt động chung được tổ chức ngày càng nâng cao về chất lượng; hỗ trợ nhau trong xây dựng các sản phẩm du lịch địa phương. Tuy nhiên, hoạt động du lịch của Cụm phía Tây vẫn còn nhiều khó khăn và chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đặt vấn đề: “Tổng lượt khách lưu trú trong 6 tháng đầu năm của Cụm phía Tây có 4,4 triệu lượt, trong đó Kiên Giang đứng đầu với 1,5 triệu lượt, kế tiếp là Cần Thơ có 1,2 triệu lượt. Tỷ lệ khách lưu trú ở các địa phương còn rất thấp. Ngay cả ở Cần Thơ bình quân khách lưu trú cũng không vượt quá 2 ngày. Riêng với khách quốc tế thì đa phần trở lại Phú Quốc của Kiên Giang. Do đó thách thức với Cụm phía Tây là làm sao có thể kéo dài thời gian lưu trú của du khách, cũng như gia tăng sự chi tiêu, định hướng những sản phẩm phù hợp với các thị trường khách ở mỗi địa phương”. Ðồng tình với nhận định trên, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Mỗi địa phương cần định hướng xây dựng những sản phẩm đặc thù, không trùng lắp, để có thể tạo được liên tuyến kết nối nhiều trải nghiệm. Cụ thể tại Bạc Liêu, chúng tôi đang hướng đến việc kết hợp du lịch với nông nghiệp truyền thống và công nghệ cao, xây dựng các tuyến mới, nhất là liên tuyến “Những nẻo đường phù sa” kết hợp cùng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, muốn làm những sản phẩm này hiệu quả thì phải có sự đồng hành từ các doanh nghiệp lữ hành”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, nói: “An Giang cũng có những định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng dựa trên cơ sở các tiềm năng của địa phương. Chúng tôi có đề xuất về du lịch theo mùa, đặc trưng miền Tây là mỗi mùa mỗi vùng sẽ có những điểm khác nhau và chúng ta nên hướng đến những trải nghiệm này. Tôi cũng cho rằng muốn sản phẩm du lịch có sức hút thì các hoạt động phải gắn với lữ hành. Bởi họ mới hiểu được thị trường nguồn khách và đưa khách đến các địa phương”.
Ở góc độ lữ hành, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Du lịch ÐBSCL thời gian qua đã có sự phát triển về nhiều mặt, nhưng thực tế khách chi tiêu ở đây rất ít, thời gian lưu trú cũng ngắn. Do đó, chúng tôi cũng hướng đến việc xây dựng những sản phẩm có tính trải nghiệm sâu, lắng đọng hơn. Trên cơ sở này, hiện Vietravel cũng đang phối hợp với một số địa phương để hỗ trợ xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch. Theo đó, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các địa phương khảo sát, xây dựng sản phẩm đặc trưng từng nơi. Hiện Vietravel cũng đang phối hợp với TP Cần Thơ làm chiến lược này, sau đó chúng tôi hướng đến một số tỉnh lân cận phù hợp”. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Mỗi địa phương tiềm năng riêng, quan trọng là cách chúng ta khai thác và tạo sự khác biệt. Các sản phẩm du lịch của chúng ta đều có nét tương đồng về sinh thái, đặc trưng địa lý. Vì thế, chúng tôi cũng mạnh dạn đi theo hướng mới, đó là lấy ẩm thực làm điểm chú ý. Chúng tôi lấy hai sản phẩm đặc trưng của địa phương là khóm cầu đúc và chả cá thát lát để làm điểm nhấn, thiết lập kỷ lục. Từ đó sẽ xây dựng những tuyến tour sản phẩm trải nghiệm phù hợp, mang nét đặc trưng riêng của Hậu Giang”.
Du lịch Cụm phía Tây có dấu hiệu phục hồi khá nhanh về thị trường nội địa. Theo nhận định từ các đơn vị lữ hành, du lịch Cụm phía Tây vẫn còn sức hút kể cả sau hè, bởi xu hướng du lịch xanh, sinh thái đang được ưa chuộng. Trong khi đó, các tỉnh, thành trong Cụm phía Tây đều có thế mạnh và các loại hình du lịch này. Ngành Du lịch của mỗi địa phương trong cụm cũng đang có sự chuyển đổi tư duy trong cách làm du lịch, dần chủ động và biết cách đầu tư xây dựng sản phẩm hơn.
Ái Lam