Khu vực Mù Là thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh (Pác Nặm) đang được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, đặc biệt là khách du lịch yêu thích khám phá thiên nhiên và trải nghiệm nét đẹp vùng cao. Nắm bắt được xu thế này, nhiều hộ đồng bào Mông ở đây đã từng bước bắt tay làm du lịch biến những khu vực đồi hoang thành những địa điểm check in lý tưởng. Huyện Pác Nặm đang đầu tư để Mù Là trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Đến Mù Là vào thời điểm này sẽ cảm nhận được không khí mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên trong lành, những thửa ruộng bậc thang bên sườn núi xếp tầng uốn lượn được đồng bào dân tộc Mông gieo cấy lúa, xa xa là những ngọn núi sừng sững tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Mù Là yên bình và người dân hiền hậu chất phác cảm nhận của mỗi du khách khi đến đây.
Người dân thôn Lủng Phặc làm đất để trồng hoa phục vụ du lịch.
Khu đồi hoa của gia đình anh Lý Văn Minh đang ở cuối vụ. Anh Minh đang thu hoạch giống hoa tam giác mạch và chuẩn bị đất để gieo trồng một số loài hoa khác phục vụ du khách đến thưởng ngoạn dịp cuối tuần. Nhận thấy đầu tư trồng hoa cho thu nhập cao, anh đã lên ý tưởng và nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Chỉ sau 3 tháng cần cù, anh Minh đã biến khu đồi hoang thành đồi hoa đủ màu sắc, gồm các loại hoa tam giác mạch, cánh bướm, thạch thảo… Với mức thu phí từ 15.000 - 20.000 đồng/người, hằng ngày, khu đồi hoa có từ vài chục đến cả trăm du khách tới tham quan và chụp ảnh lưu niệm.
Gia đình anh Lý Văn Minh đã khai phá, cải tạo diện tích khoảng 8.000m2 đất đồi trồng các loại hoa theo mùa, đầu tư hệ thống nước tưới tự động, cầu mây chụp ảnh, xích đu... Ý tưởng của anh trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng các chòi để nghỉ dưỡng, kèm theo dịch vụ ăn uống tạo nguồn thu nhập cho gia đình và bà con Lủng Phặc phát triển du lịch.
"Đồi này trước đây bỏ hoang, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nên tôi nảy sinh ý tưởng khai phá để trồng hoa, vừa rồi thu được hơn 30 triệu đồng. Hiện nay tôi mới chỉ giới thiệu trên ứng dụng Facebook, Zalo, nhưng cũng có khá nhiều du khách đến tham quan”, anh Lý Văn Minh chia sẻ.
Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi.
Khu vực Mù Là có khoảng 30 hộ đồng bào Mông sinh sống. Trước đây, bà con chỉ làm ruộng nương cấy lúa trồng ngô. Từ khi du lịch ở đây phát triển, có đường bê tông, điện lưới và các công trình văn hóa do huyện đầu tư thì suy nghĩ của bà con đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách du lịch đến đây dịp cuối tuần. Đơn cử như gia đình chị Hoàng Thị Chử mở quán ăn, nước giải khát và cải tạo hơn 1.000m2 đất để trồng hoa quanh năm, cho thuê quần áo chụp ảnh. Các hộ Bàn Văn Vảy, Dương Văn Phong, Lý Văn Nhì, Hoàng Văn Vì cũng đang kinh doanh dịch vụ ăn uống và trồng hoa…
Anh Lý Văn Khìn- Trưởng thôn Lủng Phặc cho biết: "Nắm bắt được xu thế của các bạn trẻ khi đến với Mù Là, một số hộ đã tập trung trồng hoa và đầu tư một số điểm tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, việc quảng bá hình ảnh Mù Là đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, việc đầu tư quy mô cần có người đứng ra tổ chức và thực hiện theo đúng quy hoạch để đảm bảo không phá vỡ cảnh quan tự nhiên".
Nhà điều hành du lịch tại Mù Là.
Mù Là là một địa danh của xã Cổ Linh, giáp với các xã Đà Vị, Hồng Thái của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội Mù Là là hội xuân truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được tổ chức quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Nơi đây còn có những thửa ruộng bậc thang xếp tầng đang được người dân gieo cấy lúa, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Huyện Pác Nặm đang xây dựng Mù Là là một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.
Với sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu, sở thích của du khách thập phương và ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của đồng bào người Mông nơi đây, các hoạt động phục vụ du lịch trải nghiệm tại Mù Là đã và đang bước đầu hình thành. Dẫu còn thô sơ nhưng đang tạo được những điểm nhấn trong bức tranh cao nguyên Mù Là và góp phần sớm đưa Mù Là trở thành khu du lịch trọng điểm của huyện Pác Nặm. Để quy hoạch bài bản, địa phương đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư và quảng bá để người dân và du khách thập phương biết đến nhiều hơn./.
Nguyễn Nghĩa