UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt đề án phát triển Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Huyện cuối trời Tổ quốc - Ngọc Hiển đã công bố đề án và đang triển khai những bước đầu tiên. Hiện “Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” đã có những sản phẩm du lịch rất đáng trải nghiệm...
“Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” có những sản phẩm du lịch rất đáng trải nghiệm.
“Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” nằm ở ấp Cồn Mũi trong Khu Du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Đây là nơi có mốc tọa độ GPS-0001, đánh dấu điểm cực Nam Tổ quốc và cũng là điểm du lịch thu hút nhiều khách nhất của tỉnh Cà Mau. Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi được bao quanh bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Trong khu làng hiện đã có nhiều hộ gia đình làm du lịch sinh thái.
Ông Quách Văn Ngãi, người làm du lịch cộng đồng ở xã Đất Mũi, chia sẻ: “Bà con rất mừng khi UBND tỉnh phê quyệt đề án phát triển Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi. Điều đó cho thấy quá trình làm du lịch thời gian qua của bà con đã được ghi nhận. Theo đề án, khu vực này sẽ được đầu tư hạ tầng cũng như hỗ trợ để bà con làm du lịch bài bản hơn. Thời gian qua, mạnh nhà nào nhà đó làm, khi có đề án bà con sẽ xích lại gần nhau hơn. Chúng tôi đang bàn tính xem làm sao phát huy những thế mạnh, khách đã đến rồi thì còn nhớ mãi”.
Để thu hút, hấp dẫn du khách, các hộ dân trong Làng Văn hóa Du lịch đang phát triển nhiều hoạt động trải nghiệm: giăng cá, đặt lọp cua, soi ba khía, xổ vuông… Những hoạt động này sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm thú vị về đời sống sản xuất của cư dân địa phương. Qua đó, du khách cũng sẽ được thưởng thức tại chỗ những loại thủy sản ngon nổi tiếng của tỉnh Cà Mau như: tôm sú, cua, cá thòi lòi...
Đến với Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi, ngoài cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình, du khách sẽ được khám phá nét đặc trưng văn hóa của người dân miền sông nước Cà Mau. Trong đó, nhà không cửa là một trong những nét văn hóa đặc trưng được gìn giữ lâu nay, thể hiện sự chất phác, hiền hòa của cư dân xứ Mũi. Đặc biệt, khi đã được công nhận Làng Văn hóa Du lịch, bà con càng có ý thức hơn trong gìn giữ các giá trị văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Văn Nhuần, người làm du lịch ở xã Đất Mũi, cho biết: “Dễ thấy nhất là đổi thay trong ý thức của bà con. Khi hình thành Làng Văn hóa Du lịch, bà con ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, trồng rừng, trồng hoa, làm cho cảnh quan môi trường thêm đẹp. Chúng tôi cũng trao đổi với nhau làm như thế nào để tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách”.
Theo ông Lê Chí Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Ngọc Hiển, đề án phát triển Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Ngọc Hiển phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, điều kiện tự nhiên, tạo ra nét đặc sắc riêng. “Đây có thể nói là bước đột phá trọng tâm của ngành du lịch Ngọc Hiển. Chúng tôi hướng phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Việc hình thành Làng Văn hóa Du lịch sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương; tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân khai thác hiệu quả sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch. Đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các hộ làm du lịch cộng đồng để phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Thắng nói.
Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa