Không có quá nhiều lợi thế, nhưng bằng cách làm sáng tạo và hướng đi bài bản, có lộ trình, cùng với sự đồng lòng của người dân, Trấn Yên đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh đưa địa phương có tên trên “bản đồ” du lịch Yên Bái và đã có những điểm du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Nhiều hộ gia đình ở xã Vân Hội đầu tư trồng sen trên đầm để làm du lịch.
Sau một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch nói chung và du lịch Trấn Yên nói riêng chịu những khó khăn nhất định.
Bước vào năm 2022, thực hiện các kế hoạch của Huyện ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm, của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển du lịch, huyện Trấn Yên ban hành Kế hoạch phát triển du lịch năm nay rất cụ thể với mục đích giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương để thu hút khách du lịch trong và ngoài địa bàn, tạo sinh kế cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với các điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch…
Gắn các hoạt động du lịch với các sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, địa phương và có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm du lịch. Khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội đình Làng Dọc, dân tộc Tày xã Việt Hồng; Lễ hội đền Hóa Cuông, xã Hòa Cuông; Lễ hội đình Kỳ Can, xã Y Can; Lễ hội Lồng Tồng, xã Kiên Thành…
Xã Việt Hồng, vùng đất Chiến khu cách mạng với các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh như Nhà ông Trần Đình Khánh, đình Làng Dọc, hang Dơi… và hệ thống hang động, thác nước tự nhiên đã trở thành một trong những điểm đến của không ít du khách trong và ngoài nước trong một vài năm trở lại đây. Tuy chưa có một thống kê cụ thể nào, nhưng bình quân mỗi năm, nơi đây thu hút không dưới 4.000 du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, xã đã chọn bản Nả và bản Vần có nhiều lợi thế để xây dựng mô hình làng, bản du lịch cộng đồng với các hoạt động du lịch thăm quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng gồm hàng chục hộ dân tham gia.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Biên phấn khởi cho biết: "Mặc dù mới hình thành và phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng bước đầu mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần tạo nguồn thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn là đã tạo được sự chuyển biến trong tư duy từ sản xuất nông, lâm nghiệp sang dịch vụ thương mại bền vững”.
Không giống như Việt Hồng, xã Vân Hội lại tập trung khai thác các điểm du lịch hấp dẫn như: thác Quẽ, Ao Xanh, thác Vòi Rồng, nhất là tận dụng mặt nước đầm Vân Hội, người dân địa phương đã mở rộng diện tích trồng sen phục vụ nhu cầu cho du khách ngắm sen, thưởng sen trên hồ thơ mộng đầy nắng và gió.
Không quá ồn ào nhưng có lẽ từ cách làm du lịch ở Vân Hội đã thu hút khá nhiều khách du lịch và trở thành một điểm đến ấn tượng, ghi dấu ấn đẹp đối với du khách.
Song song với đó, huyện tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao phục vụ khách du lịch như: măng tre Bát độ, mật ong, gạo nếp đen, chè Bát tiên, quế thuốc, các sản phẩm từ dâu tằm…
Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư về du lịch đảm bảo chất lượng và chuyên nghiệp như: Dự án tổ hợp sân golf Ngôi sao Yên Bái; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội… Duy trì và phát triển sản phẩm du lịch tâm linh trên địa bàn như đền Hóa Cuông, xã Hòa Cuông; đình Làng Xây, xã Báo Đáp… kết nối với các điểm di tích lịch sử khác nhằm tạo thành chuỗi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm giá trị văn hóa, lịch sử, từ đó tạo nên sản phẩm du lịch có chiều sâu, chất lượng.
Dẫu vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhưng từ thực tế cho thấy, du lịch Trấn Yên đã bước đầu vượt qua chính mình, nhất là các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, góp phần tạo công ăn việc làm, xây dựng nông thôn mới ngày một phát triển bền vững.
Ngọc Trúc