Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) được UBND tỉnh phê duyệt khu bảo tồn dành cho sếu đầu đỏ bay về trú ngụ từ năm 2004. Rộng 2.800ha, từng 2 lần nhận giải thưởng quốc tế về thành tích bảo tồn thiên nhiên, nay bị người dân và doanh nghiệp đào bới tùy tiện dọc, xẻ ngang đắp đê bao trên diện tích 36ha thuộc bãi ăn chính của sếu, ngay vào mùa cao điểm sếu về.
Với lý do làm tiêu thoát, cải tạo đất để sản xuất lúa và bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của ban quản lý dự án kết hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, người dân vẫn đào đắp đê bao ngay trong vùng lõi khu bảo tồn cỏ năng. Bảo tồn cỏ năng, ngoài mục tiêu bảo vệ nguồn thức ăn cho sếu đầu đỏ, cỏ năng còn là nguồn nguyên liệu hiếm có ở đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ ngành du lịch.
Sự việc xảy ra trong những ngày 22-26/3/2009, thế nhưng mãi đến cuối tháng tư, việc khôi phục lại hiện trạng ở khu bảo tồn này vẫn chưa khởi động. Điều này không chỉ đẩy loài chim có tên trong Sách đỏ thế giới vào cảnh không còn nơi cư trú.
Chính sự có mặt của loài sếu quý hiếm là một trong những nguyên nhân để các ngành chức năng thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Vùng hoang hóa Kiên Lương là nơi lý tưởng để sếu trú ngụ. Tại đây, có rừng phòng hộ, có tràm, cỏ năn, cỏ bàng… tạo nên môi trường phù hợp với sếu. Năm 2004, sau khi nghiên cứu thực tế, hội Sếu quốc tế tài trợ thành lập Dự án Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, với chức năng giữ hệ sinh thái tự nhiên và phát triển đời sống dân cư tại chỗ.
Hiện khu bảo tồn còn bị cả DN đào kênh dẫn nước từ kênh HT6 về nuôi tôm. Tại khu vực kênh Đồng Hòa - là bãi ăn chính của sếu, mặt đất như bị xới tung lên bởi hình ảnh chằng chịt của kênh ngang, mương dọc và những bờ đê đắp vội. DN lại đào ngay giữa bãi ăn (cách kênh nước ngọt 500m). Trong khi việc thi công cống điều khiển nước lại rất qua loa, nên nước mặn theo tuyến kênh mới xâm nhập, làm thay đổi môi trường sinh thái toàn bãi ăn của sếu.
Điều phối viên của dự án cho biết: đầu tháng ba có đến 206 con sếu về, thông thường đến tháng năm sếu mới bay đi, nhưng mới tháng tư năm nay đã không còn một con. Bị băm nát đất sống, sếu phải bỏ đi.
(TTTTDL)