Khai thác tiềm năng vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu, những năm qua, xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) đã đưa ra những định hướng trong phát triển kinh tế, coi đây là hướng đi mới góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đã thành khung giờ quen thuộc, 5 giờ sáng là thời điểm anh Chúng Văn Hải ở bản Nậm Hài và nhiều người dân ở xã Mường Mô chuẩn bị mọi vật dụng cho công việc đánh bắt tôm, cá. Khi ánh mặt trời ló rạng, cũng là lúc những con thuyền máy tỏa đi các hướng trên mặt hồ để thu hoạch thành quả sau một đêm đặt bẫy tôm, cá.
Anh Hải chia sẻ: “Từ khi chuyển lên nơi ở mới theo chương trình tái định cư, cũng như nhiều gia đình khác trong bản, gia đình tôi đầu tư thêm ngư cụ để đánh bắt tôm, cá. Với hơn 70 lồng, mỗi ngày tôi đánh bắt được từ 6 - 8kg tôm, cá bán cho thương lái thu về từ 300 – 400 nghìn đồng/ngày, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.
Người dân xã Mường Mô đánh bắt tôm, cá trên vùng lòng hồ.
Công trình Thủy điện Lai Châu tích nước vận hành đã hình thành lên vùng lòng hồ rộng lớn với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đánh bắt, nuôi thả thủy sản. Tại xã Mường Mô với hơn 1.000ha mặt nước, mực nước ổn định, không chỉ đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào mà còn thuận lợi để phát triển thêm nghề nuôi cá lồng.
Nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, xã đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức cho người dân; tạo cơ chế thuận lợi cho thương lái thu mua, bao tiêu sản phẩm cá lồng.
Bắt tay vào nuôi cá lồng từ năm 2018, cùng với số vốn gia đình bỏ ra, gia đình anh Tống Văn Chiến còn được hỗ trợ thêm kinh phí làm lồng cá, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Đến nay, với 8 lồng nuôi chủ yếu các loại cá: trắm, chép, rô phi, lăng… Sản phẩm cá lồng đến thời kỳ xuất bán không chỉ phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, còn được thương lái thu mua để xuất bán ra các tỉnh khác. Hàng năm, từ nuôi cá lồng đem lại cho gia đình anh mức thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng.
Với nguồn thủy sản từ việc nuôi cá lồng (303 lồng cá) và đánh bắt từ tự nhiên, đến nay, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của xã Mường Mô đạt 40 tấn/năm. Không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong huyện, tỉnh, tôm cá đánh bắt, nuôi trồng trên vùng lòng hồ xã Mường Mô còn được thương lái thu mua, xuất bán sang các thị trường Lào Cai, Hà Nội…
Không chỉ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ vùng lòng hồ xã Mường Mô với những đảo nhỏ nhấp nhô, những bản làng của đồng bào các dân tộc soi mình trên mặt hồ xanh biếc, đẹp tựa bức tranh "Sơn thủy hữu tình” thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Nắm bắt được lợi thế đó, với các chính sách khuyến khích của địa phương trong phát triển du lịch, khám phá vùng lòng hồ, Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lồng kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khám phá, trải nghiệm vùng lòng hồ.
Một góc lòng hồ tại xã Mường Mô.
Anh Lù Văn Dũng, thành viên Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô chia sẻ: “Mặt hồ rộng, làn nước trong xanh, phong cảnh đẹp với nhiều hoạt động từ khám phá vùng lòng hồ đến việc trực tiếp được tham gia đánh bắt, thưởng thức các loại tôm cá đã tạo được sự thích thú cho du khách khi đến trải nghiệm”.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình của Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, không chỉ mang lại mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng cho các thành viên Hợp tác xã, tạo việc làm cho 2-3 lao động thời vụ tại địa phương mà còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.
Anh Khoàng Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: “Là xã tái định cư, cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện để ổn định cuộc sống người dân vùng tái định cư. Khai thác tiềm nắng, lợi thế, đưa ra định hướng giúp người dân phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ trọng tâm được xã quan tâm. Trong đó, việc khai thác các tiềm năng vùng lòng hồ, tạo sinh kế mới để nâng cao thu nhập cho người dân là hướng đi đang được địa phương chú trọng để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Lò Dinh