Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế, đặc biệt là du lịch đến hệ sinh thái san hô tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường phối hợp với các cá nhân, tổ chức trồng một số loài san hô thích hợp và phục hồi các rạn san hô ở khu vực ven biển bán đảo Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên đa đang sinh học vô cùng quý giá. Khu vực này được thiên nhiên ban tặng rạn san hô đa dạng, rực rỡ với hơn 50 loài. Cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi những năm trở lại đây hoạt động du lịch đặc biệt là dịch vụ lặn ngắm san hô tại bán đảo phát triển mạnh mẽ. Điều này đã gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái san hô, đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà hiện nay, bán đảo có 5 vị trí thuộc vùng bảo vệ san hô gồm: Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Đông Bãi Bắc, Hục Lỡ với tổng diện tích bảo vệ khoảng 134 ha. Trong đó, Bãi Nồm có diện tích lớn nhất lên đến 48 ha. Đà Nẵng giao cho Ban quản lý bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Sụp, 4 vị trí còn lại nằm trong diện tích mặt nước được giao cho các chủ dự án khoanh vùng quản lý.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nỗ lực bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái san hô tại bán đảo Sơn Trà
Tại khu vực Bãi Nồm, Ban quản lý đã cử nhân viên trực cố định, dùng thúng và loa, còi hiệu để đẩy đuổi phương tiện vi phạm. Sau đó, gửi thông tin phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Trà xử lý. Tại Hòn Sụp, định kỳ hàng năm, Ban quản lý thả phao khoanh vùng bảo vệ san hô, nhắc nhở người dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định tại khu vực bảo vệ san hô. Đồng thời, tham mưu chính quyền địa phương tháo dỡ các nhà hàng xây dựng trái phép nhằm kiểm soát hiệu quả hoạt động du lịch, bảo vệ rạn san hô khu vực.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái san hô tại bán đảo Sơn Trà, thời gian qua Ban quản lý tăng cường phối hợp với các cá nhân, tổ chức cùng chung tay với thành phố trong công tác bảo vệ, trồng một số loài san hô thích hợp và phục hồi các rạn san hô ở khu vực ven biển của bán đảo.
Cùng với các giải pháp từ chính quyền địa phương, nhiều tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố đang nỗ lực bảo vệ rạn san hô. Ảnh: Nguyễn Đông
Trong đó, Ban quản lý phối hợp với Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đại diện Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa cho biết, trong những năm qua đơn vị đã nhặt và đưa được hơn 25 tấn rác ở các rạn san hô lên bờ, trong đó có nhiều tấm lưới. Nhưng hiện còn khoảng 100 tấn lưới “ma” mắc tại các rạn san hô, rất khó gỡ và đòi hỏi phải có kỹ năng để thu lưới này, bảo đảm an toàn cho san hô lẫn người lặn. Đồng thời, triển khai cấy tạo được 39.000m2 san hô nhằm tái tạo nguồn tài nguyên quý giá này tại khu vực.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả từ Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh trong 21 năm qua, rạn san hô sống ở khu vực Sơn Trà đã suy giảm 37,65%. Kết quả nghiên cứu nói trên được nhóm tác giả tính toán theo dữ liệu ảnh viễn thám và GIS, xử lý ảnh vệ tinh, phân loại nền đáy kết hợp khảo sát thực địa, đo đạc đặc điểm nền đáy, độ sâu...
Diện tích san hô sống bị mất nhiều, nhất là ở khu vực phía bắc bán đảo Sơn Trà với hơn 64% diện tích tại vũng Đá Bàn và hơn 63% diện tích tại phía tây Bãi Bắc. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, diện tích san hô sống đã tăng trở lại trong 5 năm gần đây với mức tăng hơn 24% diện tích tại khu vực Bãi Bụt, Mũi Giòn và 50% diện tích ở Hòn Sụp. Sự suy giảm san hô sống diễn ra tại tất cả các rạn san hô, sự phục hồi hay hình thành mới chưa đủ để các rạn san hô trở về trạng thái ban đầu.
Nỗ lực bảo tồn giá trị tài nguyên quý giá này, thời gian qua Ban quản lý bán đảo Sơn Trà phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Trà triển khai xử lý tình trạng tàu du lịch chở khách lặn, ngắm san hô trái phép tại khu vực Sơn Trà.
Theo đó, các lực lượng của Đồn Biên phòng Sơn Trà kiểm soát liên tục trên biển bằng ca nô, đơn vị còn cắt cử cán bộ, chiến sĩ tuần tra, cắm chốt tại các địa điểm du lịch vào ngày cao điểm, mục đích kịp thời ngăn chặn các hành vi dùng xuồng hơi, thúng máy chở khách du lịch lặn ngắm san hô trái phép. Bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, du khách đến tham quan và huy động người dân tham gia các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường.
Lê An