Hang Bách Sơn vừa được phát hiện trong khu rừng nguyên sinh của dãy núi đá Bách Sơn, có độ cao gần 200 mét so với mức nước lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang), thuộc địa phận bản Bách Sơn, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Đây là hang động đẹp nhất tỉnh, cách trung tâm huyện lỵ Bắc Mê gần 1 giờ đi thuyền (khoảng 15 km).
Hang Bách Sơn nằm trên tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Bắc Mê - Nà Hang (Tuyên Quang) - Ba Bể (Bắc Kạn) và nằm ẩn trong khu rừng nguyên sinh của dãy núi đá Bách Sơn. Cửa hang rộng khoảng 20m được che phủ bởi rừng nghiến rậm rạp, lòng hang rộng và sâu hàng nghìn mét, có nhiều nhũ đá với các hình thù kỳ ảo.
Đây là hang được các nhà quản lý Du lịch và Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Giang đánh giá là hang đẹp nhất trên địa bàn tỉnh, so với các hang đã từng được phát hiện ở Hà Giang như Hang Khố Mỷ (huyện Quản Bạ), hang Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), động Nguyệt (huyện Yên Minh), hang Đán Cúm (huyện Bắc Mê)...
Ngay sau khi được phát hiện, hang Bách Sơn đã thu hút hàng ngàn du khách trong tỉnh, trong nước và khách nước ngoài đến tham quan. Huyện Bắc Mê đã triển khai nhanh các biện pháp bảo vệ hang này nhằm giữ nguyên môi trường cùng vẻ đẹp nguyên sơ vốn có như: tuyên truyền đến từng người dân là bà con các dân tộc Mông, Dao ở bản Bách Sơn, xã Thượng Tân hiểu giá trị của hang những kiến tạo độc đáo của hang Bách Sơn, tránh tình trạng đập phá nhũ đá như đã xảy ra với hang Đán Cúm, Nà Chảo, xã Yên Cường (Bắc Mê), không khai thác rừng khu vực hang, không săn bắt các loài linh dương, linh trưởng, các loài chim có ở khu vực xung quanh hang...
Huyện có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh lập dự án đầu tư xây dựng khu vực hang như: xây bậc lên hang, hệ thống điện chiếu sáng trong hang, hệ thống nhà nghỉ quanh khu vực hang... nhằm khai thác có hiệu quả hang Bách Sơn.
Nếu được quy hoạch, đầu tư xây dựng, cùng với ý thức và biện pháp bảo vệ danh thắng của người dân địa phương, hang Bách Sơn sẽ là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút du khách trên tuyến du lịch sinh thái, cộng đồng tại Hà Giang.
(TTTTDL)