Vườn Quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trong khu vực quần đảo Côn Sơn có gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha đất ngập nước, điều này tạo ra đa dạng các hệ sinh thái: Rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển... cần được chú trọng bảo tồn.
Vườn quốc gia Côn Đảo có 14 nghìn ha đất ngập nước với các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển. Đất ngập nước ở Côn Đảo rất đa dạng về kiểu loại, phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học cao, có nhiều chức năng và giá trị rất quan trọng. Ngoài ra, khu vực này còn có rừng nguyên sinh với hệ động - thực vật phong phú đa dạng với diện tích gần 20 nghìn ha.
Trong đó, hợp phần rừng bảo tồn là gần 6 nghìn ha, phần còn lại là hợp phần bảo tồn biển. Đối với hợp phần rừng, Vườn quốc gia Côn Đảo có kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với 4 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện, đã ghi nhận có 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc có có mạch và 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ là loại thú, loài chim, bò sát…
Khu vực đất ngập nước tại VQG Côn Đảo chứa đựng các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao
Còn đối với hợp phần biển, Vườn quốc gia Côn Đảo nổi bật với các hệ sinh thái là rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển. Trong đó, hệ sinh thái thảm cỏ biển với diện tích khoảng 1.000 ha và hệ sinh thái rạn san hô với diện tích 1.800 ha. Đến nay, ghi nhận 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển...
Bên cạnh đó, vùng biển Côn Đảo còn là nơi phân bố phong phú của rùa biển. Với tỷ lệ sống rất thấp, chỉ khoảng 1/1.000, rùa biển là động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới để bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng rùa đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm hơn 85% tổng số rùa đẻ ở khắp các vùng biển Việt Nam. Mùa rùa sinh sản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, trong đó cao điểm là tháng 7 đến tháng 9. Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn rùa biển tại khu vực VQG. Ảnh: Hoàng Phước
Hàng năm, trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia làm tổ, đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, mỗi đêm có 10-20 rùa mẹ lên làm tổ, có khoảng 150.000 rùa con được cứu hộ, nở và thả về biển.
Ghi nhận những thành công, đóng góp trong công tác bảo tồn, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã hai lần xác lập kỷ lục cho Vườn Quốc gia Côn Đảo vào năm 2009 các danh hiệu: “Nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam;” “Vườn quốc gia duy nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ các dạng sinh thái.” Vườn Quốc gia Côn Đảo là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới “Bảo tồn Rùa biển khu vực Ấn Độ Dương - Đông Nam Á” (IOSEA), trở thành tổ chức thứ 11 của mạng lưới này.
Để góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, Sở TNMT Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với các Sở, ngành chức năng và các địa phương quản lý tốt diện tích đất rừng, diện tích đất ngập nước, đặc biệt là vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên…Bên cạnh đó, cũng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu mực nước dâng và xây dựng khu vực phải thiết lập hành lang phải bảo vệ bờ biển để bảo vệ hệ sinh thái ven bờ…
Mở rộng diện tích rừng ngập mặn là giải pháp góp phần bảo tồn các hệ sinh thái tại địa phương này. Ảnh: Quang Vũ
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 2021 đến năm 2030, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, làm nguồn lực cho việc xây dựng phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững.
Theo đề án, địa phương sẽ xây dựng 17 tuyến du lịch sinh thái như: Tuyến đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ; tuyến Ma Thiên Lãnh - Hang Đức Mẹ - Ông Đụng; Đất dốc - Núi Nhà Bàn; Sân bay Cỏ Ống - Hòn Cau... Tỉnh cũng đã phê duyệt 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Côn Đảo để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên với gần 910 ha, tuy nhiên phải đảm bảo các quy định giữ vững mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, giữ vững độ che phủ rừng.
Đề án cũng quy định chủ đầu tư phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai dự án trên thực địa; công trình chỉ được xây dựng tại đất trống, trảng cỏ, nơi có cây bụi không có khả năng tự phục hồi.... và nhiều quy định xây dựng cụ thể khác. Việc phát triển du lịch sinh thái tại địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của Vườn quốc gia Côn Đảo về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, di tích lịch sử...
Sau khi đề án được phê duyệt, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có thể ký hợp đồng cho thuê đối với một số dự án đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu hàng đầu về bảo vệ, bảo tồn... duy trì giá trị hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên Côn Đảo.
Nguyễn Hằng