Ngày 13/9, UBND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "Hội thổi cơm thi Thị Cấm" và khánh thành tu bổ, tôn tạo đình Thị Cấm, phường Xuân Phương.
Hội thổi cơm thi Thị Cấm. Nguồn: internet
Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL công bố Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
“Hội thổi cơm thi Thị Cấm” được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của tướng quân Phan Tây Nhạc và Hoa Dung - những người đã có công gây dựng làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm).
Quy trình thổi cơm ở làng Thị Cấm có 3 phần chính là thi chạy lấy nước, thi kéo lửa và thi thổi cơm, tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Tương truyền, vào thời Hùng Vương thứ 18, ở Thị Cấm có một chàng trai là Phan Tây Nhạc sức khỏe và ý chí hơn người. Chàng trai chăm luyện rèn thân thể, lại giỏi chữ nghĩa nên văn võ song toàn. Gặp khi đất nước có nạn ngoại xâm, vua cho tuyển quân và kêu gọi người tài ra giúp nước. Chàng Tây Nhạc vào ứng thí, trúng tuyển, mọi điểm đều đạt ưu ngay vòng đầu. Vua lấy làm hài lòng, phong chàng làm tướng và giao cho 3 vạn quân kịp lên đường chiến trận.
Tướng quân Phan Tây Nhạc lĩnh ý vua, nhận đủ quân số và gấp rút ngày đêm luyện rèn binh sĩ. Vì hành quân gấp mà không ăn đúng bữa thì khó có sức đuổi giặc. Ông đã nghĩ ra cách thường xuyên tổ chức thi nấu cơm có thưởng ngay trong quân ngũ để nhanh chóng ổn định đội quân hậu cần giỏi nấu nướng. Quân đội của tướng Phan Tây Nhạc nổi tiếng “bách chiến bách thắng”, kẻ thù nghe tiếng ông đều run sợ, lui về cố thủ. Sau khi trấn giữ yên ổn biên cương trở về, vua Hùng gả cháu gái của Hoàng hậu là Hoa Dung cho Phan tướng quân. Trong niềm hạnh phúc gia đình, nhân tiết xuân tươi sáng, vợ chồng Phan tướng quân đi thăm viếng các nơi. Tới vùng kia thấy cánh đồng xanh tốt, nhân dân no đủ, hiền hậu, già làng tiếp đón nồng nhiệt và thành kính nên ông bà Phan Tây Nhạc và Hoa Dung đã lưu lại dựng nhà ở đây. Đó là làng Thị Cấm, xưa thuộc xã Vân Canh, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Sau khi ông bà qua đời, nhân dân suy tôn ông làm Thành hoàng. Hằng năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng mở hội thi thổi cơm để tưởng nhớ công ơn ông bà và trình diễn lại cảnh nấu cơm thuở xưa ông thường tổ chức, đặc biệt cứ 5 năm tổ chức đại lễ một lần. Việc tổ chức thực hành Lễ hội thổi cơm thi Thị Cấm về cơ bản, các tục, kiêng kỵ, trình và vị trí trong quá trình tổ chức thực hành các nghi lễ vẫn giữ được tính nguyên bản so với truyền thống.
Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Hội thổi cơm thi Thị Cấm”. Nguồn: kinhtedothi
Cũng tại buổi lễ, quận Nam Từ Liêm đã khánh thành tu bổ, tôn tạo đình Thị Cấm. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, UBND quận đã đầu tư ngân sách khoảng hơn 14,9 tỷ đồng. Đây là hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đồng thời cũng là cơ sở bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ''Hội thổi cơm thi Thị Cấm''.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, ''Hội Thổi cơm thi Thị Cấm'', phường Xuân Phương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa là niềm từ hào, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân địa phương trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đề nghị các cơ quan chức năng của quận, của phường tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ Đảng viên và nhân dân địa phương nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ, phát huy giá trị các di tích và ''Hội thổi cơm thi Thị Cấm'' theo quy định của Luật Di sản văn hóa, quy chế quản lý di tích và quy tắc ứng xử của UBND TP ban hành.
Cùng với đó là tăng cường quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị các di tích theo quy định. Tiếp tục kiểm kê chi tiết các di vật, hiện vật, đồ thờ ở từng di tích để quản lý chặt chẽ. Đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống mối mọt, vệ sinh môi trường tại di tích.
An Hạ