Phát triển sản phẩm du lịch mới từ lợi thế sông, hồ ở Lào Cai

Cập nhật: 15/09/2022
Với hệ thống sông, hồ dày đặc, thời gian qua, các địa phương đã tận dụng tiềm năng, lợi thế này để phát triển thành sản phẩm du lịch mới, thu hút người dân và du khách trải nghiệm, khám phá.

Chèo kayak trên hồ thủy điện Mường Hum là sản phẩm du lịch mới của huyện Bát Xát.

Anh Vũ Hoàng Dương (Hà Nội) là người đam mê du lịch. Anh dành nhiều thời gian khám phá các sản phẩm du lịch và những vùng đất mới. Vừa qua, khi biết thông tin về một số hoạt động trải nghiệm diễn ra tại huyện Bát Xát, anh đã cùng 2 con gái lên đường và có chuyến du lịch đáng nhớ. Ngoài các vật dụng để cắm trại, anh còn mang theo chiếc thuyền kayak. Nhờ đó, anh và các con được du ngoạn trên hồ thủy điện Mường Hum và chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp.

Anh Dương tâm sự: Đây là lần thứ 2 tôi lên Lào Cai, nhưng lần đầu biết đến lòng hồ này và ngạc nhiên về cảnh sắc nơi đây. Lòng hồ rất phù hợp để chèo kayak hoặc sup vì lượng nước dồi dào và mặt hồ lặng. Chèo thuyền quanh hồ, chúng tôi được ngắm những ngọn núi xanh bao quanh, ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín. Nơi này tương lai chắc chắn sẽ có nhiều người tìm đến trải nghiệm.

Giữa tháng 8, UBND huyện Bát Xát tổ chức một số hoạt động trải nghiệm như chèo sup, kayak, mô tô nước, cắm trại… thu hút sự tham gia của nhiều du khách và người dân. Địa phương kỳ vọng hoạt động này là cơ hội quảng bá, giới thiệu thiên nhiên, con người và bản sắc các dân tộc tới du khách; tạo thêm sản phẩm du lịch thu hút khách. Đặc biệt, đối với các hoạt động trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện Mường Hum, vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia được chú trọng. Bát Xát đã kết nối với các hội, nhóm có kinh nghiệm trong việc tổ chức các loại hình trải nghiệm trên sông, hồ để hỗ trợ du khách và người dân. Sup, kayak hoặc động cơ mô tô nước trước khi sử dụng đều được kiểm tra an toàn. Du khách tham gia trải nghiệm phải mặc áo phao và có lực lượng cứu hộ túc trực bên hồ đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ông Phạm Năng Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Huyện có tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch từ lợi thế sông, hồ. Dù mới là năm thứ 2 tổ chức hoạt động trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện Mường Hum nhưng đã nhận được những tín hiệu khả quan. Du khách từ nhiều địa phương trong cả nước hào hứng đăng ký tham gia.

Đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (khi chưa chia tách) khảo sát tuyến du lịch dọc sông Chảy.

Là địa phương thuộc vùng thấp của tỉnh, trên địa bàn huyện Bảo Yên có 2 dòng sông, trong đó có sông Chảy với chiều dài lớn. Trên sông Chảy, đoạn qua Bảo Yên đã xây dựng thủy điện Phúc Long tạo ra hồ nước lớn, trải dài, thuận lợi cho nuôi cá lồng. Dọc sông Chảy cũng có các điểm du lịch tâm linh như Di tích lịch sử đồn Phố Ràng nổi tiếng. Đó là những điểm hấp dẫn để du khách trải nghiệm, khám phá, đồng thời là cơ hội để địa phương phát triển các loại hình du lịch sông nước…

Phát huy lợi thế trên, vừa qua, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) đã tổ chức ngày hội đua mảng trên sông Chảy nhằm khôi phục lại môn thể thao truyền thống của dân tộc, đồng thời thu hút du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động dịch vụ trên sông. Ông Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phố Ràng cho biết: Chúng tôi hy vọng có thể phát triển các môn thể thao trên sông Chảy như chèo thuyền, chèo mảng khám phá cảnh đẹp ven sông, đồng thời đầu tư các loại hình dịch vụ, nhà hàng nổi trên sông.

Thị trấn Phố Ràng đang xây dựng điểm check-in ven sông Chảy ở tổ dân phố 2A. Địa phương cũng lên kế hoạch kết nối tour du lịch với các vùng phụ cận để xây dựng du lịch đường sông, tạo không gian cho du khách trải nghiệm nghỉ dưỡng cuối tuần và các lễ hội do địa phương tổ chức. Để đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trải nghiệm này, thị trấn phối hợp với cơ quan chức năng mở lớp tập huấn phòng, chống đuối nước và tăng cường kiểm tra tàu, thuyền đăng ký tham gia vận tải hành khách trên sông Chảy.

Đua thuyền trên sông Chảy là hoạt động thu hút đông người dân và du khách.

Lào Cai được thiên nhiên ưu đãi đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống sông, hồ xen kẽ, dân cư sống dọc các sông lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội đậm bản sắc văn hóa cội nguồn dân tộc. Thực tế cho thấy, các dòng sông ở Lào Cai có đặc thù là chảy trên núi, nhiều nơi có địa hình quanh co, hiểm trở, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Đây là tiềm năng để khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch mới. Không chỉ Bát Xát và Bảo Yên, mà các địa phương khác cũng bắt đầu khai thác các loại hình du lịch trải nghiệm từ sông, hồ như chèo thuyền trên hồ thủy điện Cốc Ly (huyện Bắc Hà), chèo kayak trên hồ Séo Mý Tỷ (thị xã Sa Pa)…

Cuối năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khi chưa chia tách) đã thành lập các đoàn khảo sát một số tuyến du lịch dọc sông Chảy và nhận định đây là tour du lịch giàu tiềm năng. Đầu tháng 6/2022, Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch tỉnh cũng phối hợp với các chuyên gia đến từ vùng Nouvelle-Aquitaine (Cộng hòa Pháp) đào tạo cho đội ngũ đào tạo viên, hướng dẫn viên du lịch tại Bắc Hà và Sa Pa về môn canyoning, chèo kayak, tiến tới xây dựng môn thể thao này để du khách trải nghiệm tại hồ thủy điện Cốc Ly và Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Thời gian tới, các địa phương sẽ cần chuẩn bị nhiều điều kiện như xây dựng sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ tuyến du lịch đường sông, quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm du lịch đường sông, hồ cũng cần được tăng cường để đông du khách, các nhà đầu tư biết tới và tham gia đầu tư, trải nghiệm.

Hoàng Thu

Nguồn: Báo Lào Cai - baolaocai.vn - Đăng ngày 14/9/2022